Vừa đến xã Hòa Lễ hỏi thăm đường đến nhà ông Nguyễn Chua – một người dân nhanh nhảu nói: “Chú là phóng viên xuống ghi lại vụ ông Chua ngã cáp tử vong phải không? Ở đây chỉ có một người tên Chua thôi. Ông ấy vừa được người nhà đưa về để chuẩn bị tang lễ rồi. Rõ khổ cho gia đình ông ấy, vợ ông Chua mới rớt cáp suýt chết, vết thương còn chưa lành thì nay ông ấy phải ra đi cũng ở chính nơi ấy”.
Chồng bị rơi ở chính nơi vợ từng bị rơi
Gia đình ông Chua nằm heo hút trong xóm nghèo cạnh con sông Krông Ana – nơi có những trụ cáp treo bắc qua. Đến thôn 6, không khí tang thương bao trùm xóm nghèo. Những người dân trong xóm khi biết tin ông Chua tử nạn đều ngừng mọi công việc để đến thăm hỏi, động viên gia đình vượt qua nỗi đau quá lớn này. Đối với người dân thôn 6 và các thôn lân cận, ông Chua cũng giống như người thân trong gia đình. Bởi suốt hàng chục năm qua, cầu treo bắc qua sông chính là đường mưu sinh gần nhất, giống như đường chung của “đại gia đình”, ngày nắng, ngày mưa, người dân đều gặp nhau tại cầu treo và cánh đồng bên kia sông.
Đau buồn, hoảng hốt trước cái chết của ông Chua nhưng người dân Hòa Lễ vẫn chấp nhận đu dây qua sông trước miệng “tử thần”.
Ngồi kế bên thi thể anh trai chưa khâm liệm, ông Nguyễn Chát nói trong nước mắt: “Dân tụi tôi nghèo quá chú ơi! Biết nguy hiểm chết người mà vẫn phải qua sông đi làm, đến cái chết cũng vì miếng cơm manh áo. Hơn 7 giờ sáng 26.10, hai anh em tôi ra bến Đồng Nhì để qua sông Krông Ana bón phân cho vườn cà phê. Tôi đu dây qua trước, vừa tới nơi thì nghe tiếng la thất thanh, tôi nhìn lại đã thấy anh Chua quằn quại bên mép sông. Tôi lập tức kêu thêm người đưa anh đi cấp cứu, nhưng chưa tới bệnh viện thì anh ấy đã ra đi. Sự việc xảy ra quá nhanh, khiến tất cả người dân trong thôn đều bàng hoàng. Tôi không ngờ cuộc đời ngắn ngủi đến thế, hôm qua và sáng nay tôi và anh ấy vẫn nói chuyện với nhau về công việc bên kia sông, chia sẻ những trăn trở về mối hiểm nguy mỗi khi đu dây. Vậy mà, chỉ trong chốc lát, anh tôi đã phải ra đi tức tưởi. Cách đây 2 tháng, khi bị té ngã cũng chính tại khúc sông này, anh Chua đã từng đau đáu: “Giá như người dân ở đây có được cây cầu đi làm thì vợ tôi đâu có bị té đau như vậy. Không biết chừng, sau này có người té ngã thiệt mạng chứ chẳng chơi. Biết vậy nhưng anh ấy vẫn phải đi. Và điều anh ấy đau đáu, lo lắng đã đến với chính anh”. Còn bà Nguyễn Thị Thọ, vợ ông Chua thì nức nở trách sao cuộc đời nghiệt ngã cứ trút lên gia đình bà: “Ông ơi, sao ông nỡ bỏ tôi mà đi. Ngày tôi bị ngã ông luôn ở bên tận tình chăm sóc, tôi vừa khỏi bệnh thì ông đã bỏ tôi mà đi như vậy?”.
Ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ tịch xã Hòa Lễ cho biết: “Hiện tại, cả xã có khoảng 20 bến gồm cả thuyền bè và cáp treo để người dân qua lại sông Krông Ana, trong đó nhiều nhất là tại thôn 5, thôn 6 và thôn 9. Giờ là mùa thu hoạch cà phê, nên nhiều người dân địa phương có có rẫy bên kia bờ sông Krông Ana buộc phải đu dây qua sông đi làm. Chính quyền đã nhiều lần khuyến cáo bà con về mức độ rủi ro, đặc biệt trong mùa mưa lũ nhưng vì nhu cầu mưu sinh người dân đành nhắm mắt làm liều. Cách đây một tháng, người dân thôn 9 tự góp tiền làm được cây cầu bằng sắt và ván. Đây cũng là một cây cầu tạm, độ an toàn không cao, nước lũ có thể cuốn trôi bất cứ lúc nào. Về lâu dài, người dân mong có một cái cầu để thuận lợi cho việc qua lại, tránh được những sự cố đáng tiếc”.
“Giỡn mặt tử thần” mỗi ngày để mưu sinh
Ông Chua quê gốc ở Quảng Ngãi, ông cùng gia đình vào thôn 6 lập nghiệp được hơn chục năm nay, ông có 4 người con, vì quá nghèo, các con đều phải bỏ học sớm để phụ giúp gia đình mưu sinh. Gia đình ông Chua quanh năm đầu tắt mặt tối lên nương làm việc, nhưng cái nghèo cứ mãi đeo bám. Sau nhiều năm lao động cực nhọc, nắng, mưa đều phải đu dây qua sông làm việc đến năm 2013, gia đình ông cũng tích cóp được một số vốn và vay mượn thêm bên ngoài được một số tiền để xây được căn nhà. Ông Chua cùng các con vừa dọn về căn nhà mới ở chưa được bao lâu thì những tai nạn thương tâm liên tiếp ập tới đối với gia đình nhỏ. Vừa qua, bà Thọ trong lúc đu dây đi làm bị té ngã bất tỉnh phải đưa đi cấp cứu. Khi vết thương của bà chưa lành thì ông Chua tử nạn vì cáp treo.
Ông Chua chăm sóc vợ tại bệnh viện khi vợ ông bị té ngã do đu dây qua sông hai tháng trước.
Ông Lê Văn Bình – Phó thôn 6 cho biết – ông Chua từ trước tới nay sống chan hòa với mọi người xung quanh. Khi ông Chua mới vào thôn 6 lập nghiệp, gia đình còn nhiều khó khăn. Đến lúc kinh tế trong nhà vừa thoát khỏi nghèo khó thì ông ấy gặp tai nạn phải bỏ mạng. Ông Chua là trụ cột trong nhà, mọi việc lớn nhỏ đều một tay ông ấy làm. Hiện tại 2 người con lớn của ông Chua đã lập gia đình ở riêng, còn hai cháu nhỏ và người vợ già yếu chẳng biết bám víu vào đâu mà sống. Gia đình ông Chua như nhiều người dân ở đây đều không có đất canh tác nên phải qua bên kia sông khai hoang. Kinh tế nhà ông Chua phụ thuộc vào mấy sào vườn cà phê bên kia sông, nhưng ở bên đó, nước tưới không có, thu nhập bấp bênh, mùa vụ đều phụ thuộc vào ông trời cho ăn thì được, không thì coi như chết đói.
Nhắm mắt làm liều
Hệ thống cáp treo tự chế được người dân Hòa Lễ sử dụng trong những năm gần đây luôn tiềm ẩn những nguy hiểm. Qua thời gian đều đã bị gỉ sét, bị mòn dẹt và các cọc đóng ở hai bên bờ cũng có dấu hiệu xuống cấp, mục ruỗng. Để đu được qua bên kia, người dân phải sử dụng bộ đồ nghề phụ gồm dây thừng, dây curoa và một bánh xe. Khi đu, bánh xe trượt trên dây cáp với tốc độ cực mạnh trôi từ đầu bên này sang bên kia sông rất khó lường. Thực tế đã có nhiều lần người dân đu bị té ngã gãy tay, gãy chân, đa chấn thương… nhưng không còn cách nào khác, họ vẫn phải đu mình qua bên kia sông làm việc. Mỗi lần đu trên độ cao từ dây cáp cách mực nước khoảng 10m, mới đầu ai cũng sợ, nhưng sau đó, người dân đều nhắm mắt làm liều, lâu rồi thành quen. Cách đây khoảng 2 năm xảy ra vụ đứt cáp khiến ông Nguyễn Ngọc Phương (47 tuổi, trú tại thôn 2, Hòa Lễ) bị thương ở lưng phải đi cấp cứu và điều trị mất hơn một năm mới đi lại, làm việc được. Rồi gần đây là vợ ông Chua. Tai nạn khiến bà chấn thương ở vùng vai, cổ, lệch quai hàm, mẻ đốt sống số 4.
Thế nhưng sau khi ông Chua chết, tại các bên sông hàng ngày có hàng trăm người dân vẫn phải đu dây đánh cược với “tử thần” để mưu sinh. Anh Nguyễn Văn Thuy (thôn 6) vẫn nói như chưa hề có chuyện gì xảy ra: “Chúng tôi quanh năm dựa vào nương rẫy bên kia sông, giờ bảo không đu dây nữa chẳng khác nào bị chặt chân, chặt tay, rồi biết lấy gì sinh sống, nuôi con ăn học. Dù biết đu dây rủi lắm, mạng mình treo miệng tử thần, nhưng biết làm sao được”. Đúng như anh Thuy nói, tại khúc sông nơi ông Chua tử vong vào lúc cao điểm người dân phải đợi cả tiếng đồng hồ để được đu cáp qua sông.