Mặc dù có thời gian ngắn khi về TP.Cần Thơ thăm gia đình sau khi giành thành tích cao tại Asian Para Games II nhưng Tùng vẫn dành thời gian trò chuyện với phóng viên Dòng Đời trước khi ra Hà Nội gặp lại Ban tổ chức Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam.
Không xin được việc, học sửa điện thoại sống qua ngày
“Bản thân tôi sinh ra ở huyện Phú Tân (An Giang) và cũng là một người bình thường như bao bạn trẻ khác nhưng đến 4 tuổi thì bị sốt nặng dẫn đến đôi chân bị khuyết tật, ốm teo dần, không còn đi bình thường được nữa, từ đó tôi phải làm quen với tình cảnh của một người khuyết tật. Thấy tôi như vậy cha tôi rất buồn, để con mình có thể tự cứu mình nếu xảy ra lũ lụt hoặc khi té xuống sông, cha tôi đã hướng dẫn tôi tập bơi- môn mà tôi đam mê. Khi thành thạo các thao tác cơ bản, tôi đã có thể theo cha mẹ đi câu cá hoặc giăng lưới, đặt lú” - Tùng chia sẻ.
Tùng đã giành được 5 HCV tại Asian Para Games II.
Đến năm 18 tuổi, Tùng lên TP.Cần Thơ học ngành Điện tử Viễn thông (hệ Đại học tại chức) với mong muốn sẽ giúp ích cho cha mẹ sau này. Để có tiền trang trải hằng ngày, Tùng phải đi làm thuê tại các quán cà phê hoặc ai thuê gì làm nấy. Sau thời gian cố gắng học tập, cuối cùng Tùng cũng nhận được bằng tốt nghiệp ra trường. Thế nhưng, với đôi chân tật nguyền, Tùng cầm hồ sơ đến cơ quan nào thì nơi ấy đều lắc đầu, không nhận. “Chưa coi bằng cấp nhưng nhìn tướng đi không bình thường của tôi thì người ta trả lời ngay là không nhận, nói tôi đi nơi khác xin. Không xin được các quan, cơ sở lớn nên tôi đã quyết định đi học ngành sửa chữa điện thoại để kiếm tiền sống qua ngày” - Tùng buồn bã nói.
Do bản thân thích bơi lội từ nhỏ nên trong thời gian rảnh, Tùng thường ra sông tập bơi và thường đi xem các giải bơi lội. Đến năm 2015, có dịp TP.Cần Thơ thông báo tuyển người vào đội tuyển thể thao nhưng vì không có tiền đóng học phí, mua dụng cụ tập luyện nên Tùng đã không đăng ký. Rất may, trong thời gian này, Tùng gặp được thầy Bùi Thanh Tâm - HLV thể thao của Trường Trung cấp TDTT TP.Cần Thơ và được thầy nhận vào sau khi vượt qua vài vòng bơi thử thách.
Tùng cho biết: “Lúc đó, các dụng cụ luyện tập của Trường Trung cấp Thể dục thể thao TP.Cần Thơ đều được ngân sách của thành phố tài trợ nên tôi khỏi phải lo việc đóng tiền. Khi mới đầu tập luyện, những người trong gia đình, nhất là mẹ luôn lo lắng và khuyên con nên nghỉ tập vì sợ khổ cực nhưng vì đam mê, cũng có năng khiếu từ nhỏ nên tôi đã dần thuyết phục được mẹ. Vì không muốn phụ lòng mọi người nghĩ đến và lo cho mình nên tôi không ngừng tập luyện, có bị bệnh cũng phải cố gắng nhảy xuống nước. Rất mừng là chỉ sau 1 tháng tập luyện, tôi đã giành được 2 HCV, 1 HCB tại giải thể thao khuyết tật toàn quốc năm 2005”.
Giành được chiến thắng trên, Tùng tiếp tục có động lực cố gắng tập luyện hơn nữa. Hầu như toàn thời gian của Tùng đều tập trung vào việc học tập các thao tác bơi lội cho hoàn thiện. “Lúc đó, tôi có ít bạn bè vì họ thấy ngại khi chơi với người khuyết tật như mình, có bạn còn xa lánh không muốn tiếp xúc. Vì các lý do trên mà phần lớn thời gian của tôi là ở bể bơi” – Tùng kể.
Kình ngư 29 tuổi Võ Thanh Tùng tham gia thi đấu tại Asian Para Games II.
Theo chúng tôi tìm hiểu, khuyết điểm của kình ngư 29 tuổi trước đây là khâu xuất phát và về đích chậm hơn các đối thủ khác, vì vậy từ tháng 3 đến tháng 10 vừa qua, với sự huấn luyện các các HLV, Tùng đã khắc phục được khuyết điểm trên. Ngoài ra, qua trao đổi với Tùng, chúng tôi nhận thấy ý chí và nghị lực phấn đấu của anh rất mạnh mẽ. “Không nói đến các đối thủ bên Trung Quốc và Nhật Bản, các đối thủ các nước Đông Nam Á thôi đã rất mạnh về thể lực, được chăm sóc rất tốt. Tuy nhiên, vì mình có ý chí nên mới vượt đối thủ chỉ trong thời gian rất ngắn” - Tùng tâm sự.
HLV Đổng Quốc Cường, cho biết: “Trước khi sang Hàn Quốc thi đấu, các VĐV đã rất tích cực tập luyện, nhất là Tùng; thầy trò đã cùng nhau bàn bạc và khắc phục từng chi tiết nhỏ, hoàn thành tốt các giáo án tập luyện và cuối cùng những cố gắng trước đó đã được đền bù xứng đáng từ những huy chương đạt được. Tùng đã lấn át các đối thủ về tốc độ và khả năng xuất phát. Thời gian gần đây, sức bền của Tùng cũng đã được nâng lên đáng kể”.
HLV Cường cho biết thêm: “Chiến thắng của Tùng đã thể hiện được sự quyết tâm cao của thầy trò, vươn lên chiến thắng số phận, chiến thắng tật nguyền. Việc Tùng giành 5 HCV đã góp phần tạo nên sự thành công đầy ấn tượng tại Asian Para Games II và của đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Thời gian tới đây, chúng tôi sẽ chọn và bố trí đội hình tốt hơn để giành huy chương tại Đại hội Thể thao người khuyết tật Đông Nam Á diễn ra tại Singapore vào năm 2015 và Đại hội Thể thao người khuyết tật thế giới (Paralympic Games), diễn ra tại Brazil vào năm 2016”.
Khi chúng tôi hỏi dự định trong thời gian tới, Tùng nói: “Qua các cuộc thi tôi cảm thấy mình hòa nhập vào cuộc sống mọi người, được mọi người quan tâm. Từ đó, tôi cũng không cảm thấy thiệt thòi vì cũng có nhiều người khuyết tật còn có khiếm khuyết nặng hơn mình. Qua nước ngoài, tôi cũng được các bạn khuyết tật các nước quan tâm, chia sẻ mặc dù chỉ qua một số hành động, cử chỉ động viên. Vì vậy, thời gian tới, tôi sẽ cố gắng tập luyện để tham gia nhiều cuộc thi và giành nhiều chiến thắng hơn nữa”.
Tùng mong: “Các ngành chức năng cần xem xét có chế độ hỗ trợ cao hơn nữa đối với các VĐV khuyết tật. Vì những người này đã mang tật nguyền nhưng lại có quyết tâm rất cao, thi đấu không khác gì một VĐV bình thường, có khi còn cao hơn, nhiệt quyết hơn. Chẳng hạn như tại Asian Para Games II, các VĐV khuyết tật của đoàn thể thao VN đã làm cho mọi người phải ngỡ ngàng trước nghị lực tuyệt vời vươn lên để chiến thắng bản thân”.