Hòn đá chữa bệnh
Về xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, hỏi từ đứa trẻ con đến người già ai cũng tường tận kể về phiến đá bí ẩn biết chữa bệnh tại thôn Mỹ Hòa. Thấy chúng tôi đang mải mê xem phiến đá, cụ ông Phạm Văn Ngụ (75 tuổi) ở thôn Mỹ Hòa vừa đi chợ về dừng xe đạp lại góp chuyện: Phiến đá này tồn tại từ hàng trăm năm nay ở thôn Mỹ Hòa, nhưng không biết ai là người phát hiện ra phiến đá này biết chữa bệnh.
Còn bà Nguyễn Thị Lan ở thôn Đông Châu 1, xã Phù Lưu cho biết: Người dân ở đây đã quen với cảnh người lạ vào làng để xin thuốc, trung bình mỗi tuần có 5-6 lượt người từ xa đến. Cũng theo bà Lan, hòn đá này không ai quản lý vì vậy những người đến lấy thuốc chỉ xin “cụ đá” rồi cạo một ít bột đưa về. Để được hiệu nghiệm, người đến xin thuốc thường bỏ lại 1.000 - 2.000 đồng tiền lẻ, số tiền này bọn trẻ con trong làng đi qua lấy mua kẹo chứ người lớn không mấy ai lấy.
Để rõ hơn câu chuyện bí ẩn này, phóng viên Báo NTNN đã trao đổi với bác sĩ Võ Thị Bằng - Trưởng phòng Y tế huyện Lộc Hà. Bác sĩ Bằng cho biết: Sau khi người dân xôn xao việc hòn đá biết chữa bệnh, cách đây một năm Phòng Y tế phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng huyện đã tiến hành xác minh. Theo kết luận của Phòng Y tế huyện Lộc Hà: “Đoàn đã tìm hiểu một số người dân tại thôn Mỹ Hòa, có con hoặc người thân trong gia đình đã từng mài bột để điều trị bệnh tưa lưỡi ở trẻ nhỏ như chị Phan Thị Hiền (47 tuổi), có cháu cách đây 3 năm cũng mài bột đá để điều trị; ông Phan Duy Kiệt (67 tuổi), Hội trưởng Người cao tuổi xóm Mỹ Hòa... Hòn đá chỉ có tác dụng điều trị “tưa lưỡi” ở trẻ nhỏ, ngoài ra không có tác dụng điều trị bệnh nào khác...”.
Báu vật để ngoài… đường
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Chủ tịch HĐND xã Phù Lưu cho biết: Nhà tôi ở ngay thôn Mỹ Hòa nên nắm rất rõ, việc chữa lành bệnh tưa lưỡi của hòn đá là thật. Trước đây hòn đá được đặt tại miếu cây Sanh, thời kỳ chiến tranh ngôi miếu bị bom đạn phá không còn dấu tích nay còn lại hòn đá. Người dân coi phiến đá này là báu vật của làng, không một ai đưa hòn đá này về làm của riêng gia đình mình. Ông Thành còn kể: Cách đây khoảng 6-7 năm gì đó, có một người ở xã Thịnh Lộc đến xin thuốc rồi lặng lẽ đưa phiến đá về nhà, nhưng sau đó tự nguyện trả lại chỗ cũ.
Trong quá trình đi tìm lời giải về bí ẩn hòn đá có khả năng chữa bệnh, chúng tôi có đến Trạm xá xã Phù Lưu. Mặc dù không gặp được Trưởng trạm nhưng y tá Nguyễn Thị Minh cho biết: Trẻ em bị bệnh tưa lưỡi thường dùng thuốc bột Nystatin thấm vào lưỡi. Bột của hòn đá ở thôn Mỹ Hòa về chà trên lưỡi của trẻ cũng đánh trôi tưa lưỡi giống như thuốc bột Nystatin. Tuy nhiên, để hiểu rõ về nguyên lý khoa học chữa bệnh tưa lưỡi của hòn đá ở thôn Mỹ Hòa, các cơ quan chuyên môn cấp trên cần vào cuộc xác minh, làm rõ... Ý kiến chị Minh cũng là kiến nghị của Phòng Y tế huyện Lộc Hà trước những thông tin xôn xao về hòn đá chữa lành bệnh tại Hà Tĩnh.