Dân Việt

Viễn cảnh nào cho bóng đá nội khi hàng loạt CLB giải thể?

04/11/2014 12:14 GMT+7
Dù muốn dù không thì người hâm mộ phải chuẩn bị nói lời chia tay Đồng Tháp ở sân chơi đỉnh cao. Những trung tâm bóng đá lâu đời như Đồng Tháp, An Giang, Khánh Hòa, Bình Định… giờ không còn, bóng đá trong tay những doanh nghiệp giờ thoi thóp nghĩ về ngày mai.
Truyền thống bị cho ra rìa

Thật ra thì thời kỳ huy hoàng của bóng đá Đồng Tháp đã qua cách nay lâu lắm rồi. Lần gần nhất Đồng Tháp vô địch bóng đá Việt Nam là vào năm 1996, ngôi vô địch trước đó của họ là vào năm 1989.

Tính từ khi V-League ra đời năm 2000, bóng đá Đồng Tháp là khách quen của suất lên rồi xuống, xuống rồi lên hạng. Nhưng đấy vẫn là địa phương có truyền thống, có nguồn khán giả riêng.

Khánh Hòa cũng là trường hợp tương tự. Thời bao cấp, Khánh Hòa nổi tiếng với danh xưng “vua trụ hạng”. Họ không phải là đội bóng trong nhóm có khả năng cạnh tranh ngôi cao, nhưng người hâm mộ bóng đá Khánh Hòa vẫn tự hào với cái danh xưng của một ông vua không ngai ấy.

Bóng đá đôi khi chỉ cần có vậy, người ta tự hào về tính địa phương, tự hào về những nét riêng và những danh xưng riêng cho từng CLB, kể cả đấy là danh xưng phản ánh chuyện lên – xuống hạng thường xuyên như bóng đá Khánh Hòa, hay Đồng Tháp từng có.

img

Người vẽ bản đồ bóng đá nội đang là các ông bầu

Đấy cũng không hề là chuyện lạ tại các quốc gia có nền bóng đá phát triển lâu đời. Ví như ở Anh có những CLB nhỏ dạng Fulham, Stoke City… đã hình thành hàng trăm năm nay, họ sinh ra không phải để tranh chấp ngôi vô địch, nhưng họ vẫn là niềm tự hào của địa phương, vẫn là cái tên đủ sức thu hút sự chú ý của một bộ phận CĐV.

Rồi Bình Định và An Giang cũng vậy. Mười mấy năm trời bóng đá An Giang không được chơi tại giải VĐQG (tính từ sau khi họ rớt hạng năm 1997), nhưng điều đó vẫn có ý nghĩa hơn hẳn việc lên đá V-League 1 lần duy nhất trong lịch sử CLB, rồi… giải tán.

Từ khi các doanh nghiệp nhảy vào bóng đá nội, bóng đá Việt Nam biến tướng hẳn. Sự biến tướng ở đây xuất phát từ chỗ những người làm bóng đá năng lực quá hạn chế, không thẩm định được đầy đủ chất lượng của các doanh nghiệp. Sự biến tướng còn đến từ việc nhiều ông chủ doanh nghiệp làm bóng đá theo đúng bản chất “con buôn”, thích thì làm không thích thì bỏ. Họ cũng dễ dàng gạt sang một bên cái gọi là giá trị truyền thống.

Thoi thóp vì “lướt sóng” bóng đá

Mặt trái của nhiều ông bầu bóng đá điều hành các CLB với bản chất “con buôn” có lẽ không cần phải nhắc lại nữa, sai lầm của những người làm công tác điều hành nền bóng đá, làm công tác phát triển chuyên môn ở từng CLB trong việc quá nuông chiều các ông bầu cũng đã rõ rồi.

Người ta dễ dàng đến với bóng đá vì đánh giá đây là kênh để trục lợi thì cũng dễ dàng bỏ bóng đá khi hết thấy lợi. Cái chính là con đường lệch lạc mà bóng đá Việt Nam đã đi suốt hơn chục năm qua đã và đang dần xóa sạch những trung tâm bóng đá vốn giàu truyền thống.

Đánh mất những địa phương giàu truyền thống bóng đá ấy, cũng là đánh mất nguồn khán giả không lồ, tức là đánh mất… tiền, yếu tố mà ngay cả những người làm bóng đá không tính đến.

Thay cho những tên tuổi ngày nào dạng Khánh Hòa, Đồng Tháp, An Giang, Bình Đình… là những CLB thuần chất doanh nghiệp như HA Gia Lai, Hà Nội T&T, ĐT Long An… bây giờ, trước nữa là những ngôi “sao băng” dạng XM Xuân Thành Sài Gòn, Navibank Sài Gòn, V.Ninh Bình.

Bóng đá doanh nghiệp không phải là điều lạ với làng cầu thế giới, nhưng lạ ở đây là số phận của các CLB đấy phụ thuộc hoàn toàn vào các ông bầu. Các CLB đấy dù mang danh là công ty cổ phần, nhưng thực chất tồn tại bằng tiền túi của từng ông bầu cụ thể.

Tức là chính các CLB vừa nêu sống đến đâu còn phải xem lại “hứng” của từng ông bầu. Đâu phải bầu Thắng không có lúc nản (năm ngoái ông từng tính đến chuyện trả lại đội bóng cho tỉnh Long An), bầu Đức cũng vậy (cho đến trước khi ông hào hứng với lứa U19), riêng bầu Hiển thì bấy lâu nay im hơi lặng tiếng.

Người vẽ bản đồ bóng đá nội là các ông bầu, nhưng họ vẽ đến đâu thì tùy… hứng. Đấy là hậu quả mà bóng đá nội phải chịu từ sai lầm của chính những người làm bóng đá từ nhiều năm trước. Một khi bóng đá không thể sinh ra tiền, không thể kéo khán giả đến sân thì tương lai của nó vẫn còn phập phù! Đấy là điều cơ bản mà những người làm bóng đá phải nhanh chóng thay đổi để cứu lấy cả nền bóng đá.