Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương (TPHCM) trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp Quốc hội ngày 3.11 trước thực trạng “lạm phát” cấp phó ở nhiều bộ, ngành, địa phương:
Ông nhìn nhận thế nào tình trạng “lạm phát cấp phó” ở các bộ ngành hiện nay?
- Bộ máy nhà nước sinh ra để điều hành xã hội, nhà nước không phải đứng bên trên hay bên lề xã hội. Cấp phó cũng rất quan trọng vì một mình cấp trưởng không thể làm hết việc, thậm chí có những công việc cấp phó lại là người quyết định chứ không phải cấp trưởng.
Tuy nhiên nếu có nhiều cấp phó thì lại làm phân tán nguồn lực, dẫn tới việc chỉ đạo nhiều khi không thống nhất, đó là chưa nói đến chi phí cho cấp phó vì dưới họ là cục trưởng, vụ trưởng, vụ phó rồi một loạt công chức phục vụ bộ máy khác. Chỉ cần thêm một cấp phó là sinh ra một bộ máy.
Nếu bộ ngành nào cũng như vậy thì chi phí hành chính quá lớn. Trong khi đó công việc lại ách tắc, vì nếu một người làm thì nhanh nhưng cái gì cũng tập thể thì công việc lại ì ạch.
Theo ông trong Luật tổ chức Chính phủ có nên đưa ra quy định cụ thể mỗi bộ, ngành được bao nhiêu cấp phó hay không?
- Trong luật đã có,nhưng trong quá trình tổ chức phải rất nghiêm mới thực hiện được. Tốt nhất là quy định cứng trong luật để sau này không phải ban hành nghị định, thông tư nữa, nếu có thì mỗi ngành lại tự đặt ra bộ máy.
Vì thế luật pháp phải quy định rõ để tránh vận dụng một cách tùy tiện khi thi hành. Chính sự tùy tiện trong vận dụng chỉ liên quan đến lợi ích của một số người, mà lợi ích đó đôi khi lại liên quan rất lớn đến xã hội, chi phí rất lớn đối với xã hội.
Cụ thể đối với các tổng cục, theo ông có nên thu gọn lại cấp phó, ngăn ngừa tình trạng lạm phát không?
- Đúng là phải thu gọn lại chứ không thể để chỗ nào cũng có Tổng cục được. Tổng cục đôi khi vai trò quan trọng chẳng kém gì các Bộ.
Thông thường bộ máy được quy định dưới Bộ là các cục, vụ, viện, nhưng giờ lại sinh ra một cấp trung gian nữa là cấp Tổng cục. Nghĩa là lại sinh ra một anh kém thứ trưởng một tí nhưng lại trên vụ trưởng. Muốn phải tinh giản bộ máy gọn nhẹ thì phải bớt cấp trung gian, bớt cấp phó mới được.
Thế còn ở cấp độ địa phương như ở xã, phường thì sao thưa ông?
- Bộ máy hành chính cấp xã cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ để thu gọn lại, bởi vì bây giờ thực hiện khoán trong nông nghiệp rồi, quá trình người nông dân cũng tự lo liệu trên mảnh đất được phân thế, bây giờ cấp xã làm gì?
Cán bộ cấp xã họ chủ yếu điều hành thủy lợi, nông nghiệp, bảo vệ an ninh trật tự, bảo đảm dân chủ cho người dân. Tinh thần chung là nên bớt giảm chức, nếu sinh ra nhiều quá thì lấy đâu kinh phí để mà nuôi.
Xin cảm ơn ông !