Mới đây Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án giết người do Phạm Văn Nhàn (sinh năm 1970, ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thực hiện. Nạn nhân trong vụ án này chính là vợ của Nhàn, chị Cao Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1976, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai).
Nỗi đau người mẹ
Tại phiên tòa, bà Dương Thị Anh (sinh năm 1933, ngụ Biên Hòa, Đồng Nai) tham dự với tư cách là đại diện người bị hại (mẹ chị Cao Thị Ánh Tuyết). Ngay từ rất sớm, người phụ nữ ngoài 80 tuổi này đã đến và lặng lẽ ngồi ở một góc phòng. Đôi mắt sâu hoắm cùng với gương mặt hằn những vết chân chim làm cho dáng vẻ bà trở nên khắc khổ, u buồn hơn.
Bà Dương Thị Anh bên di ảnh con gái.
Trong phiên tòa, do bị nặng tai, nghe không được rõ nên một số câu chủ tọa hỏi bà không trả lời đúng trọng tâm. Nhiều câu chủ tọa phải hỏi nhiều lần và yêu cầu người nhà đứng gần giải thích thêm để bà hiểu. Tuy nhiên trong phiên chất vấn bị cáo Phạn Văn Nhàn, mặc dù Nhàn nói nhỏ, giọng ngập ngừng, có lúc nghe tiếng được tiếng không nhưng bà lại nghe rất rõ. Khi Nhàn khai trước tòa, thỉnh thoảng lại thấy đôi vai gầy của bà run lên. Có lẽ bà run lên vì giận, cũng có thể bà run vì ghê sợ trước hành vi tàn ác của Nhàn với con bà và cũng là người vợ đã từng đầu gối tay ấp với Nhàn.
Trả lời trước Hội đồng xét xử (HĐXX), bà đã nói từng câu từng chữ rõ ràng để vạch tội người con rể của mình. Bà tức giận, phản bác lời khai Nhàn cho rằng giết vợ vì vợ không nối lại tình cảm, vì có bồ. Theo bà đó là những lời bịa đặt, không đúng với thực tế, hành vi giết người của Nhàn là có sự chuẩn bị trước và mang tính chất côn đồ, độc ác. Hành vi ấy đáng bị tử hình, chung thân chứ không phải mức án 19 năm tù như TAND tỉnh Đồng Nai đã tuyên trong bản án sơ thẩm (vào tháng 6.2014 - PV). Quá bức xúc và đau đớn vì mất con, nhiều lúc bà không giữ được bình tĩnh và liên tục kể tội chàng rể khiến chủ tọa phải nhắc nhở.
“Nó ác quá! Mười năm con gái tôi lấy nó là mười năm con tôi sống trong địa ngục và kết cục là bị sát hại”, bà Dương Thị Anh nghẹn ngào nói. Bà cho biết từ ngày con gái bị sát hại, bà luôn day dứt, ân hận vì đã để con gái cưới nhầm một kẻ vũ phu.
Khi nghe mẹ vợ kể tội mình và yêu cầu Tòa đưa ra bản án nghiêm khác, Nhàn chỉ biết cúi gằm mặt, và sụt sùi khóc. Trước Tòa, Nhàn xin được giữ nguyên bản án sơ thẩm để có cơ hội về phụng dưỡng cha mẹ già và nuôi hai đứa con còn nhỏ. Tuy nhiên Nhàn đã không có cơ hội đó. Trước những chứng cứ, những tình tiết của vụ án, HĐXX cho rằng hành vi giết người của Nhàn là đặc biệt nghiêm trọng, mức án sơ thẩm 19 năm tù là chưa đủ sức răn đe do đó HĐXX đã tăng án phạt lên chung thân đối với Nhàn.
Ân hận vì không ngăn chặn cuộc hôn nhân
Trở lại những tình tiết của vụ án, theo cáo trạng Phạm Văn Nhàn và chị Cao Thị Ánh Tuyết là vợ chồng, sống chung tại xã Phước Tân (TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Trong quá trình chung sống cả hai thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Đến tháng 9.2013, chị Tuyết làm đơn ly hôn. Nhàn đem bàn ghế salon, máy giặt và một số đồ đạc trong nhà đi bán rồi trở về sống với nhà cha mẹ ruột. Dù đã ly hôn nhưng Nhàn vẫn ghen tuông vô cớ và cấm chị quan hệ với người đàn ông khác.
Hung thủ Phạm Văn Nhàn tại phiên tòa phúc thẩm.
Khoảng 19 giờ tối 20.10.2013, Nhàn về nhà và xin nối lại tình cảm nhưng bị chị Tuyết từ chối. Vì vậy Nhàn nảy sinh ý định giết chị. Nhân lúc chị Tuyết đang ở trong nhà tắm, Nhàn đã cầm dao xông vào đâm vào lưng khiến chị Tuyết gục ngã. Chưa dừng lại đó Nhàn còn dựng vợ dậy rồi dùng dao đâm một nhát vào cổ khiến chị chết tại chỗ. Giết vợ xong Nhàn bế chị vào phòng ngủ rồi uống thuốc sâu tự tử, nhưng không chết. Sau đó Nhàn lấy xe chạy về nhà cha mẹ đẻ thì bị bất tỉnh và được đưa đi cấp cứu, rồi bị công an bắt khẩn cấp sau đó.
“Nó ác quá! Mười năm con gái tôi lấy nó là mười năm con tôi sống trong địa ngục và kết cục là bị sát hại” - bà Dương Thị Anh nghẹn ngào nói. Bà cho biết từ ngày con gái bị sát hại, bà luôn day dứt, ân hận vì đã để con gái cưới nhầm một kẻ vũ phu. Theo bà tính ghen tuông mù quáng của Nhàn ở địa phương ai cũng biết. Cũng vì tính này mà trước khi đến với con gái bà, Nhàn đã bị một cô gái từ hôn ngay sau khi tổ chức đám hỏi.
Mặc dù vậy khi gia đình Nhàn đến hỏi cưới con gái bà cho Nhàn bà vẫn chấp nhận. Hy vọng khi lập gia đình Nhàn thay đổi tâm tính, lo làm ăn nuôi vợ con. Để tạo điều kiện cho hai vợ chồng, bà còn cắt cho miếng đất xây nhà. Vậy mà trong lúc vợ quanh năm làm lụng bên chiếc xe hủ tiếu thì Nhàn lại lêu lổng, hay đá gà, nhậu nhẹt, cờ bạc. Đặc biệt bản tính ghen tuông của Nhàn càng lúc càng nặng hơn. Nhàn hay ghen tuông, đánh đập vợ vô cớ, mỗi lần chị Tuyết ra đường đều bị Nhàn soi mói, ngăn cản.
Cũng theo bà Anh, từ lúc lấy chồng hầu như con gái bà không có bộ quần áo mới mặc. Cứ mỗi lần con bà mua được bộ quần, áo đi ăn đám cưới, đám hỏi thì sau 2 – 3 ngày, Nhàn đều gom quần áo đó đem đốt hoặc giấu đi vì sợ ra đường mặc đồ đẹp người ta nhòm ngó. Quá uất ức trước bản tính ghen tuông của Nhàn, chị Tuyết đã làm đơn ly hôn. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến kết cục đau lòng đó là chị Tuyết bị Nhàn sát hại, bỏ lại hai đứa con nhỏ.
Bà Anh kể trong nước mắt vào hôm xảy ra án mạng, bà cùng gia đình đến nhà mở tủ tìm kiếm bộ quần áo tươm tất mặc cho con gái nhưng không có bộ nào. Trong tủ chỉ còn quần áo cũ, bà phải kêu người đi mua đồ mới về mặc cho con trước khi khâm liệm. Giờ đây, con rể - hung thủ sát hại con bà đã bị đền tội nhưng đối với bà, mỗi khi nhớ đến con gái bà luôn day dứt không nguôi. Bà vẫn luôn tự trách mình, giá như bà ngăn cản, đừng để con gái cưới một kẻ cuồng ghen thì đã không có kết cục bi thảm như ngày hôm nay.