Dân Việt

Gánh nặng nuôi bốn người mù trên vai người đàn bà nặng nghĩa vợ chồng

An Sơn (Dòng đời) 06/11/2014 07:29 GMT+7
Mặc dù được không ít người theo đuổi, nhưng vì đồng cảm với cảnh ngộ bi đát của người đàn ông mù lòa đã khiến chị lấy người đàn ông này làm chồng. Tưởng rằng sự hy sinh ấy sẽ được ông trời bù đắp, nhưng cuộc đời chị lại bị đẩy vào bi kịch bởi những đứa con mắc bệnh hiểm nghèo.  
Tôi tìm về thôn Thủ Lễ Đông của xã Quảng Phước (Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế) sau khi được một cán bộ địa phương kể cho nghe câu chuyện tình yêu cảm động và cuộc đời đầy nước mắt của chị Hồ Thị Bồng (SN 1965). Ngôi nhà xập xệ của gia đình chị Bồng nằm bên bờ con sông nhỏ. Những cơn gió từ phá Tam Giang quất vào liên hồi trong chiều mưa rả rích khiến ngôi nhà cứ run lên bần bật. Trong ngôi nhà trống hoác, tài sản có giá trị nhất là bộ bàn ghế oải mục và chiếc giường gỗ xỉn màu với chăn chiếu nhàu nát, rách bươm.  

Chuyện tình xúc động nơi quê nghèo

Chị Bồng vừa trò chuyện với tôi vừa lấy bàn tay chai sạn quệt nước mắt lăn dài trên hai gò má hốc hác. Chị bảo, chị không bao giờ hối hận với quyết định lấy người đàn ông mù làm chồng mà chỉ kiệt sức vì những bi kịch liên tiếp xảy đến với gia đình. Chị Bồng sinh ra trong một gia đình nghèo và đông con ở thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền). Gia đình phải chạy ăn từng bữa nên mặc dù rất hiếu học nhưng chị phải sớm rời ghế nhà trường để đỡ đần bố mẹ. Giỏi việc đồng áng và nết na, đức hạnh, nên từ thuở thiếu nữ chị đã được không ít chàng trai đeo đuổi.   
img Chị Bồng và người con gái út. (Ảnh: An Sơn)

Lấy chữ hiếu làm trọng, chị gác lại hạnh phúc riêng tư để gánh vác cơm áo cho gia đình. Những tháng ngày tảo tần đồng áng và vắt sức làm thuê làm mướn của chị đã giúp gia đình phần nào vượt qua khó khăn. Đến năm 35 tuổi, khi anh chị em trong nhà đều đã yên bề gia thất thì chị mới nghĩ đến chuyện tình duyên. Tưởng rằng ở cái tuổi lỡ làng ấy chị sẽ ế chồng, nhưng vẫn có một số người đàn ông khỏe mạnh và chưa vợ đến cầu hôn chị. Dân làng hồi hộp theo dõi xem người đàn ông nào may mắn lấy được người phụ nữ nết na, đảm đang làm vợ. Ngày nhà trai đến đặt lễ dạm hỏi, hàng xóm, bạn bè ai cũng đến xem mặt chàng rể. Rồi không ai tin vào mắt mình khi thấy người chồng sắp cưới của chị là anh chàng mù lòa bẩm sinh Nguyễn Lợi. 

Chị Bồng quen anh Lợi trong những ngày về xã Quảng Phước làm thuê. Một lần đi qua ngõ nhà anh Lợi, chị thấy người đàn ông này đang mò mẫm đút cơm cho bà mẹ mù Lê Thị Chắt. Cảnh ngộ 2 người mù nương tựa vào nhau làm chị xót xa và tình cảm mẹ con của họ khiến chị xúc động. Từ đó, hàng ngày, sau khi xong việc làm thuê, chị tranh thủ ghé giúp đỡ mẹ con anh Lợi chuyện nấu nướng, giặt giũ. Từ sự đồng cảm trước số phận éo le của mẹ con anh Lợi, chị dần dần chuyển sang yêu người đàn ông mù này lúc nào không hay. 

Việc chị lấy anh Lợi làm chồng khiến làng trên xóm dưới xôn xao bàn tán. Ai cũng bảo chị “bị điên”, “bị tàng” nên mới đi lấy người mù làm chồng để tự đẩy cuộc đời mình vào một tiền đồ tăm tối. Nhưng tất cả không thể khiến chị thay đổi lựa chọn của mình. “Tui yêu anh và muốn mình trở thành chỗ dựa để anh vươn lên trong cuộc sống, nên tui bỏ ngoài tai những lời lẽ dị nghị. Rồi phải mất rất nhiều thời gian và nước mắt tui mới thuyết phục được mọi người đồng cảm với quyết định của mình”- chị nhớ lại. 
Hoàn cảnh của gia đình chị Bồng thật đáng thương tâm, rất mong các cá nhân, tổ chức hảo tâm chung ta hỗ trợ gia đình chị Bồng vượt qua khó khăn. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Chị Hồ Thị Bồng ở Thủ Lễ, xã Quảng Phước, Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế hoặc Báo Nông thôn Ngày nay - 13 Thụy Khuê, Hà Nội, tài khoản 1506311002117 Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Tây Hồ, Hà Nội (Thông tin chi tiết vui lòng liên hệ bà Lê Minh, ĐT 0913419363).

Nỗi đau đeo đẳng 

Từ ngày về làm dâu, trở thành nơi nương tựa của 2 người mù không có khả năng lao động, tất cả gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai chị. Chị quần quật suốt ngày với việc đồng áng, chăn nuôi và làm thuê làm mướn đủ thứ nghề. Nhờ có bàn tay của chị, cuộc sống của mẹ con anh Lợi từ chỗ phải dựa vào sự cưu mang của hàng xóm, lòng trĩu nặng sự tự ti, cuộc sống dần dần có cái đắp đổi qua ngày. 
img Cháu Nguyễn Thị Thanh Hồng - người con thứ 2 của chị Bồng - bị mắc bệnh động kinh và mù mắt. (Ảnh: An Sơn)

Một năm sau ngày cưới, đứa con đầu lòng Nguyễn Duy Quang Huy của vợ chồng chị chào đời. Cả nhà hạnh phúc đến chảy nước mắt khi đứa trẻ khôi ngô và lành lặn, khỏe mạnh. Nhưng rồi niềm vui của gia đình chị chẳng tày gang vì bi kịch ập đến. Chỉ khoảng nửa năm sau khi lọt lòng mẹ, Huy đang bình thường bỗng suốt ngày khóc không ngớt. Chị đưa con đến bệnh viện khám thì bác sĩ bảo đứa trẻ mắc bệnh bại não và bị mù mắt, không có cách nào cứu chữa. Lời của bác sĩ khiến chị đau đớn đến rụng rời tay chân. 

Nỗi đau đó khiến sức khỏe của anh Lợi và bà Chắt suy sụp. Những cực nhọc mưu sinh cộng với bệnh tật của con khiến chị tưởng như mình không còn có thể đứng vững. Tận trong sâu thẳm chị vẫn hy vọng con mình sẽ được cứu, được sống như bao đứa trẻ bình thường. Chị lại quần quật làm thuê tích cóp từng đồng đưa con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu xót xa của bác sĩ.  

Gần 2 năm sau ngày Huy mắc bệnh hiểm, chị sinh cháu Nguyễn Thị Thanh Hồng. Hồng cũng chào đời khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác, nhưng lòng chị hằn sâu nỗi lo đến mất ăn mất ngủ vì sợ rồi đứa con này cũng sẽ mắc bệnh như anh mình. Và rồi nỗi lo của chị đã trở thành sự thật. Hồng không bị bại não nhưng vừa lên 3 tuổi thì bị động kinh và mù mắt. Từ đó, hầu như ngày nào Hồng cũng lên cơn co giật vì căn bệnh quái ác. Hồng phát bệnh không bao lâu thì Huy qua đời khi trận lũ lớn ập đến bất ngờ nhấn chìm nhà cửa. Một thời gian sau thì mẹ chồng chị cũng khuất núi vì bạo bệnh. Chị không còn nước mắt để khóc, nỗi đau lặn vào trong, hàng ngày gặm nhấm tâm can.   

Chị Bồng bảo, hiện niềm hy vọng nhỏ nhoi duy nhất của chị là người con gái út Nguyễn Hồ Quỳnh Trâm (SN 2007). Chị kể, khi Trâm chào đời cho đến năm 4 tuổi, vợ chồng chị luôn sống trong sợ hãi vì nghĩ Trâm cũng sẽ mắc bệnh hiểm nghèo như anh chị mình. Nhưng may mắn là nỗi lo lắng của vợ chồng chị đã không xảy đến khi đến nay Trâm vẫn không có dấu hiệu nào bất thường. “Hiện con bé đã học lớp 2, gia đình cực khổ, sách vở thiếu thốn, nhưng nó học giỏi lắm”- chị kể rồi nghẹn giọn: “Từ bà nội, ba nó cho đến anh chị nó đều đã không biết đến mặt chữ rồi nên tui muốn nó biết cái chữ. Đã rất nhiều lúc tui thấy mình sức cùng lực kiệt nhưng vẫn phải gắng gượng. Nhưng tui sợ mình không gắng được bao lâu nữa”. 

Trao đổi với phóng viên Dòng Đời, ông Phan Hùng Sơn- Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phước- cho biết: Ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, xã không thể giúp được gì nhiều cho gia đình chị Bồng bởi Quảng Phước là địa phương khó khăn nhưng có số người tàn tật cao nhất huyện. Ông Sơn mong rằng, qua báo chí, các cá nhân, tổ chức hảo tâm sẽ chung tay hỗ trợ gia đình chị Bồng vượt qua phần nào ngặt nghèo. 
Danh sách ủng hộ nhân vật trong bài báo “Cha mẹ chết sớm, chị 22 tuổi nuôi 6 đứa em thơ”

Anh Nguyễn Xuân Nam, chi nhánh ngân hàng TechcomBank Kim Mã, Hà Nội: 100.000 đồng; chị Lê Thị Hồng, nhà 47, Quyết Tiến, Ia KRing, Plei, Gia Lai: 100.000 đồng; Tống Văn Thơm, Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình: 100.000 đồng; anh Nguyễn Văn Bôn: 200.000 đồng (gửi về địa chỉ chị của Nhâm); Chị Vân Anh đang công tác ở Nga gọi điện thoại đến Chị Lê Minh cho biết trước mắt chị ủng hộ 100 USD và tiếp tục vận động cộng đồng người Nga ủng hộ trực tiếp đến địa chỉ nhà  em Nhâm...

Dòng Đời xin trân trọng các nhà hảo tâm đã chia sẻ khó khăn với gia đình em Trần Thị Nhâm ở xóm Kim Sơn, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc ( Hà Tĩnh) ĐT: 0989642900, nhân vật trong Nhịp cầu nhân ái số 14. Dòng Đời sẽ chuyển số tiền nhận được đến tận tay em Nhâm và mong muốn tiếp tục nhậnđược sự ủng hộ của các nhà hảo tâm.