Tiếp tục “chích máu”, ngân sách có chịu được không?
Có lẽ, trong số các tổ tham gia thảo luận về Dự án sân bay (SB) Long Thành, các ĐB đoàn TP.HCM trăn trở nhiều nhất. Nêu quan điểm của mình về “siêu dự án” này, ĐB Đỗ Văn Đương đặt ngay câu hỏi: Tiền đâu để làm SB tốn kém này? “Chúng ta phải nhìn trong bối cảnh kinh tế- xã hội của đất nước, chứ không chỉ nhìn vào quy hoạch phát triển của ngành hàng không. Đất nước còn phải đầu tư vào y tế, giáo dục, quốc phòng và nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. Nếu bây giờ tiếp tục “chích máu” ngân sách để đầu tư xây dựng SB, liệu có chịu được không”- ĐB Đương nói. Cũng theo ĐB Đương, khi đi tiếp xúc cử tri, hầu hết dân đều không tin dự án này. “Điều quan trọng là phải để cho dân tin, phải đợi đến sau năm 2020 khi đất nước có của ăn của để thì mới xây dựng SB này được. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải có kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất ổn định để đầu tư về sau này”- ĐB Đương tiếp tục nêu ý kiến.
ĐB Nguyễn Văn Minh cũng dứt khoát cho rằng, nên xem xét lại dự án SB Long Thành và phải đánh giá các SB xung quanh như thế nào. Ông Minh cũng nêu rõ quan điểm không thể áp dụng cơ chế đặc thù cho SB Long Thành được, vì làm SB cũng là do Tổng Công ty Hàng không thực hiện, nên nếu áp dụng cơ chế đặc thù là vô lý. “Theo tôi, kỳ này Quốc hội chỉ nghe báo cáo thôi, chứ chưa nên bấm nút thông qua chủ trương, mà cần yêu cầu Chính phủ giải trình thêm về những vấn đề ĐB thắc mắc, rồi Quốc hội mới cho chủ trương chung”- ĐB Minh nêu ý kiến.
Nhiều ĐB cũng đề nghị Chính phủ phải giải trình thêm về dự án này, nhất là trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn. ĐB Hà Huy Thông (Thừa Thiên- Huế) đặt vấn đề: “Đầu tư xây dựng SB Long Thành với số vốn lớn như thế, nếu lấy ngân sách để đầu tư sẽ tác động đến nợ công của nước ta”. Theo ĐB Thông, với số tiền 18,7 tỷ USD nếu đầu tư sẽ làm được mấy nghìn km đường cao tốc phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, còn đầu tư xây SB Long Thành xong rồi đường đi ở đâu?
Nhịn ăn cả năm để làm sân bay
Cũng chung sự băn khoăn về chi phí đầu tư xây dựng SB như các ĐB khác, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói: “Nước ta đang nợ công 85 tỷ USD, bình quân mỗi người dân gánh 937USD, nếu không dùng vốn ODA thì không thể triển khai SB được. Song khi xây dựng xong rồi, lỗ ai chịu? Cuối cùng lại là Chính phủ và dân chịu, nợ công sẽ lại tăng lên quá nhiều. Nếu thấy quá tải, vẫn có thể nâng cấp SB Tân Sơn Nhất lên 20 triệu khách/năm được. Chúng ta đang tính cua trong lỗ, làm sao có thể bì được với SB Hongkong được”. Chính vì thế, ĐB Thạch nói thẳng, cần phải thực tế một chút, đặc biệt là nợ công hiện đang rất nặng nề, vay tiếp thì không lấy gì trả được. Chủ trương này có lẽ là lâu dài và nên tạm gác dự án này lại để nhường cho các dự án khác thiết thực hơn.
Trong khi đó, ĐB Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) so sánh, với số vốn đầu tư 18,7 tỷ USD, tương đương hơn 360.000 tỷ đồng, bằng thu nội địa cả nước trong 1 năm. “Cả năm 2014 phải nhịn ăn mới đủ để đầu tư vào một SB”- ĐB Khiết ví von. Theo ĐB Khiết, về hiệu quả kinh tế hiện nay mới chỉ là vẽ thôi, nên làm gì thì làm, hiệu quả kinh tế- xã hội phải được tính đến. “Đất nước đang khó khăn, nợ công tăng cao, từ người sinh ra đến người sắp chết đang phải gánh nợ 20 triệu đồng, rất đáng suy nghĩ để đầu tư cho hiệu quả”- ĐB Khiết thẳng thắn nói.