Dân Việt

Ứng cử đại biểu Quốc hội phải có bản kê khai tài sản minh bạch

Lương Kết 05/11/2014 20:37 GMT+7
"Ứng cử đại biểu Quốc hội phải có bản kê khai tài sản minh bạch. Hiện nay kê khai ông nào cũng nghèo", đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (TP. HCM)  đã nói như vậy khi góp ý vào dự thảo Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân hôm nay (11.5)

Theo đại biểu Trần Du Lịch thì đại biểu Quốc hội còn phải có lý lịch tư pháp, phải có sức khoẻ. Không thể có người mất năng lực hành vi, trong hồ sơ phải có đầy đủ những yêu cầu trên. “Tôi thấy tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội đơn giản quá, nếu cứ chung chung thế này thì một người mới từ bệnh viện tâm thần cũng ứng cử được” - đại biểu Lịch nêu.

Cùng quan điểm với đại biểu Lịch, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP. HCM) cho rằng đề nghị ứng viên đại biểu Quốc hội phải khám sức khỏe. Đặc biệt là sức khỏe tâm thần.

img

Ảnh đại biểu Trần Du Lịch

Đại biểu Trần Du Lịch nói thêm tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội phải cao, HĐND cấp tỉnh cũng phải cao, ở địa phương có thể nhẹ hơn. Tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội không thể đánh đồng với tiêu chuẩn cán bộ địa phương.  Cũng cho ý kiến về tiêu chuẩn sức khỏe của ứng viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP. HCM) góp ý: Trong  hồ sơ ứng cử, lý lịch tư pháp, phiếu khám sức khoẻ của người đó là phải có. Không phải khám như lái xe. Phải có trắc nghiệm về trình độ và thần kinh, tâm lý. Nếu tâm thần mà không ổn định thì thời gian kéo dài 5 năm, áp lực công việc hậu quả nhiều khi khó giải quyết

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP. HCM) cho rằng dự thảo Luật đơn giản quá. "Tôi đề nghị đưa tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội để các cơ quan nhìn vào đó để giới thiệu, vận động bầu cử, để cử tri bầu cử. Tăng đại biểu chuyên trách lên mà không có tiêu chí cụ thể thì không thể làm được. Cần phải có quy định về quy trình giới thiệu người ra ứng cử đại biểu, có uy tín, dám nói dám làm" - đại biểu Đương nêu quan điểm.

Nói về việc đi bầu cử đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, Luật lần này không có chuyện người đi bầu thay, người đi bầu cử phải xuất trình thẻ cử tri, giấy chứng minh nhân dân. Không thể để chuyện bỏ phiếu giúp nhau rồi đạt tỷ lệ hơn 90%. "Tôi cho rằng phải hết giờ mới đi kiểm phiếu, người dân phải trực tiếp đi bầu cử" - đại biểu Lịch nói. Đại biểu Đương cho rằng cần đánh giá thêm về quy trình bầu cử vừa qua người dân quan tâm như thế nào đến việc bầu cử. Quân đội thì đi bầu 100%, nhưng cụm dân cư thì sao, có được như vậy không hay chỉ được 50 -60%? Làm sao vận động quần chúng tích cực tham gia bầu cử.

Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) cho biết, đếm thấy cụm từ “người tự ứng cử” chỉ nằm dải trong các điều đến hoạt động, còn tiêu chuẩn của người tự ứng cử không nêu rõ. Thực tế diễn ra những sự bất cấp, có sự vi phạm đối với người tự ứng cử, nhưng dự thảo Luật lại không có quy định nào cả. Người tự ứng cử phải có cơ quan, tổ chức, đơn vị nào đó đảm bảo, giới thiệu nhân sự đó. Ở đây không có ai đảm bảo cả, cá nhân người đó đảm bảo. Theo đại biểu Hồng Hà thì người tự ứng cử cũng không có phiếu lý lịch tư pháp thì ai là người xem xét, kiểm tra xem nhân sự này là như thế nào.

Bí thư Thành ủy TP. Hà Nội  Phạm Quang Nghị cho rằng, phải có một vài quy định về ứng cử, chứ không thể không quy định được. Ông nêu ví dụ một đài truyền hình có đại biểu có “đơn đặt hàng” thì cho phát biểu dài, đại biểu nào không thì thôi, đó là sự không bình đẳng.