Ấm áp và đầy ý nghĩa
Kỷ niệm 10 năm Ngày thành lập, Ban chỉ đạo Tây Bắc đã phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Nghĩa tình Tây Bắc” để tôn vinh và tri ân những các nhân, các gia đình liệt sĩ có công, có đóng góp lớn cho vùng đất biên giới Tây Bắc của Tổ quốc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc nhấn mạnh: Đây là chương trình mang ý nghĩa chính trị, xã hội to lớn. 10 năm qua, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có nhiều thay đổi không ngừng, nhờ vào công lao to lớn của các tập thể, cá nhân, sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người. Thông qua chương trình để tôn vinh những cán bộ điển hình trên các lĩnh vực công tác khác nhau, có nhiều năm gắn bó, tâm huyết, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nơi vùng cao, biên giới Tây Bắc; thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình liệt sĩ và có công với đất nước ở các tỉnh biên giới Tây Bắc của Tổ quốc. Chương trình còn nhằm mục đích giới thiệu về vùng đất Tây Bắc còn nghèo, còn khó khăn nhưng đậm chất văn hóa, lưu giữ đậm đà bản sắc dân tộc, luôn đoàn kết, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh biên giới.
Bà Lò Thị Điếng (dân tộc Lào, ở xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, Lai Châu) là vợ liệt sĩ, một mình bà nuôi 5 con khôn lớn. Được tham gia buổi lễ này, bà cho biết cảm thấy rất vinh dự và vui sướng. Từ ngày chồng mất, bà vẫn vừa đảm nhiệm chức Bí thư Xã đoàn vừa lao động để nuôi các con ăn học. Có những lúc bà cũng tủi thân nhưng nhìn các con bà lại cố gắng hơn gấp nhiều lần. “Được sự động viên của các cấp chính quyền, các đồng đội của ông, tôi vẫn cố gắng vượt qua mọi khó khăn. Đến nay, 5 đứa con đều đã khôn lớn, tôi cũng thấy nhẹ lòng, hoàn thành lời hứa với ông trước lúc ra chiến trường...”.
Nghĩa tình với Tây Bắc
Trong 10 năm qua, các tỉnh khu vực Tây Bắc đã có nhiều thay đổi không ngừng, nhờ vào công lao to lớn của các tập thể, cá nhân, sự hy sinh thầm lặng của rất nhiều người. Đó là thiếu tá Nguyễn Đình Dy ở Đồn Biên phòng Bạch Đích (Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang) kiêm Bí thư Đảng ủy xã Phú Lũng, huyện Yên Minh đã có nhiều đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở Phú Lũng. Cán bộ văn hóa xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) - anh Sầm Văn Bình luôn tâm huyết trong việc sưu tầm, biên soạn, phổ biến chữ Thái; y sĩ Cao Thịnh Vàng - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) có nhiều thành tích trong triển khai các chương trình y tế tại địa phương; xây dựng trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia..., góp phần làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nhờ những tấm lòng, những con người như thế mà Tây Bắc ngày càng lớn mạnh và đổi thay không ngừng, trở thành điểm tựa vững chắc cho vùng biên giới phía Bắc của Tổ quốc.