Dân Việt

Khoanh nợ cho người gặp rủi ro

10/11/2010 09:52 GMT+7
(Dân Việt) - Sau 1 năm thực hiện Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, giai đoạn 2009-2020”, một số vướng mắc đã nảy sinh.

 

NTNN trao đổi với ông Nguyễn Văn Lý - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH VN.

img
Thu lãi vốn cho vay xuất khẩu lao động tại huyện Mường Lát (Thanh Hoá). Ảnh: Nguyễn Công

Ông Lý cho biết, ngay sau khi có Quyết định 71 và được giao nhiệm vụ giải ngân, Ngân hàng CSXH đã ban hành các văn bản hướng dẫn quy trình, thủ tục vay vốn để các chi nhánh thực hiện. Sau hơn 1 năm thực hiện giải ngân, đến nay đã có gần 3.200 lao động hộ DTTS, hộ nghèo và hộ khác sinh sống trên địa bàn của 62 huyện nghèo được vay vốn đi xuất khẩu lao động, với tổng dư nợ khoảng 82 tỷ đồng.

Đến nay, đã có 8.500 lao động ở 62 huyện nghèo của 20 tỉnh đăng ký đi làm việc tại nước ngoài, trong đó 8.000 lao động đủ tiêu chuẩn, 6.500 lao động đã qua các lớp đào tạo nghề và hơn 4.000 lao động đã đi lao động tại các thị trường Malaysia, Libya, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...

Nguồn: Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH)

So với các nguồn khác, người lao động tại 62 huyện nghèo vay vốn được hưởng ưu đãi gì, thưa ông?

- Về lãi suất, hộ không nghèo thuộc 62 huyện nghèo được vay bằng lãi suất hộ nghèo ở khu vực khác, tức là 0,65%; còn hộ nghèo và hộ DTTS được vay với lãi suất bằng 1/2 lãi suất hộ nghèo ở khu vực khác, tức là 0,32%.

Lao động đi làm việc tại thị trường Malaysia mức cho vay từ 20-30 triệu đồng/lao động; đi làm việc tại một số thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan mức cho vay từ 40-60 triệu đồng/lao động.

Thời gian qua một số địa phương kêu việc vay vốn vẫn còn phải qua nhiều thủ tục rườm rà. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Quy trình, thủ tục vay vốn ưu đãi để đi xuất khẩu lao động tại 62 huyện nghèo rõ ràng, minh bạch, được dán ở tất cả các điểm giao dịch xã, thị trấn. Nếu đúng đối tượng, điều kiện duy nhất để được ngân hàng giải ngân vốn là người vay đưa ra được hợp đồng lao động hợp pháp với doanh nghiệp sử dụng lao động.

Về sau, một số địa phương bổ sung thêm điều kiện phải có bản ghi nhớ giữa lao động và doanh nghiệp tuyển dụng đi xuất khẩu. Điều này cũng tốt, nhưng về lâu dài dễ biến tướng, gây phiền hà cho dân nên Ngân hàng CSXH đã yêu cầu các địa phương bỏ. Ngoài ra, ngân hàng cũng đã điều chỉnh vốn theo nhu cầu của từng địa phương...

img
 

Trường hợp gặp rủi ro khách quan, người lao động phải về nước trước thời hạn, khoản vay được xử lý thế nào?

- Theo quy định, trong xuất khẩu lao động, rủi ro được coi là khách quan như người lao động bị ốm đột xuất, doanh nghiệp nơi người lao động sản xuất giải thể, ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế khiến doanh nghiệp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Hiện nay, Ngân hàng CSXH đang xử lý nợ do rủi ro khách quan theo Quyết định 50 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, nếu người lao động thiệt hại dưới 40%, chúng tôi sẽ gia hạn nợ; từ 40-80% cho khoanh nợ 3 năm; trên 80% khoanh nợ 5 năm. Sau kỳ khoanh nợ, nếu lao động còn khó khăn, cho khoanh nợ tiếp. Sau đó, nếu họ vẫn khó khăn, khi xét khả năng tận thu không còn, chúng tôi sẽ làm thủ tục xóa nợ. Trường hợp về nước trước thời hạn do các lý do chủ quan từ phía người lao động thì khoản vay của người đó không nằm trong diện xử lý theo Quyết định 50...

Xin cảm ơn ông!