Về vấn đề thu hồi đất cho dự án có mục đích phát triển kinh tế - xã hội, ông Dương Trung Quốc cho rằng, quy định về vấn đề này của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn chưa phù hợp, chưa sát với thực tiễn cuộc sống.
Ông đã từng tham gia sửa đổi Luật Đất đai từ năm 2003 và theo ông, tất cả những vấn đề này đều đã được đặt ra. “Nhưng rõ ràng, chúng ta chưa giải quyết được một cách dứt điểm. Ví dụ như việc thu hồi đất cho các dự án có mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, chúng ta chỉ đề ra rất chung chung, còn ai là người quyết định thu hồi thì không rõ. Trừ trường hợp giao nó lại cho Quốc hội, Quốc hội sẽ có trách nhiệm đánh giá thế nào là dự án phục vụ cho mục đích kinh tế - xã hội, mức độ thu hồi đất của dự án ra sao” –Đại biểu Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Theo vị đại biểu này, rất cần có một bộ lọc của cơ quan lập pháp để xem lại chính những điều luật mà Quốc hội đã ban hành. Nếu vẫn để như hiện nay thì lại tiếp tục có những kẽ hở và nếu chờ để tiếp tục sửa luật thì sẽ tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức. “20 năm rồi, chúng ta nhìn thấy cái sai mà không sửa.
Ngay việc chậm trễ trong sửa đổi luật này, chúng ta cũng có thể đặt ra câu hỏi liệu có phải do một nhóm người có lợi ích cố tình trì hoãn việc này hay không?” – Đại biểu Quốc đặt câu hỏi. Về quan điểm phải có cơ quan định giá đất độc lập ở tầm Trung ương để tránh việc cơ quan nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ông Dương Trung Quốc hoàn toàn đồng tình và cho rằng, Nhà nước phải hoàn toàn độc lập bởi việc định giá đất đã có thị trường quyết định.
Qua những lập luận trên, vị đại biểu này cho rằng, chưa nên thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 5 này. Ông nói: Bài học lớn nhất của Luật Đất đai 2003 là rõ ràng chúng ta biết mà không làm, đã nhìn thấy những hạn chế của nó mà không giải quyết triệt để, khiến cho sự lách luật kéo dài quá lâu. Nếu chúng ta thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này, trong khi nhiều vấn đề quan trọng về đất đai vẫn còn bỏ ngỏ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 (dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 6) sẽ là quá vội vàng!
Ngoài ra, ông Quốc chia sẻ thêm: “Tôi còn lo lắng về vấn đề hồi tố vì nó là quyền lợi của người dân. Hiện nay tôi biết nhiều địa phương e ngại phải xử lý những vấn đề khiếu kiện về đất đai của dân theo luật mới, vì thế nên cứ muốn giải quyết theo những quy định của luật cũ. Trong khi đó, người dân lại cứ muốn kéo dài thời gian xử lý để chờ xem luật mới thông qua thế nào? Do đó, chúng ta cũng cần phải thấy rằng, đừng vì sự thúc ép, bức bách mà chúng ta phải thông qua luật ngay kỳ này, như thế là làm luật non”!
Hải Phong