Dân Việt

Thuốc đông y gia truyền ở nông thôn - Bài 2: Sợ lộ bí quyết gia truyền

Hùng Phiên - Hồng Đức 07/11/2014 07:17 GMT+7
Theo quy định về hành nghề y dược tư nhân, nếu muốn chữa bệnh, các ông lang, bà mế phải đăng ký hành nghề khám chữa bệnh; muốn bài thuốc gia truyền được công nhận thì phải lập hồ sơ xét duyệt cấp “giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Nhưng với một số bài thuốc chữa mẹo, đây là một việc làm không phải dễ.

Không thể đáp ứng thủ tục

Đề cập đến chuyện đăng ký hành nghề và đăng ký bài thuốc gia truyền, ông Trần Tiến – chuyên chữa bệnh rắn cắn tại nhà riêng ở thôn Minh Đức, xã Hòa Kiến, TP.Tuy Hòa nói: “Sở Y tế Phú Yên có gởi tui bộ hồ sơ đăng ký nhưng nhìn vô thấy “hoa cả mắt”, nên cứ để đó. Quy định đòi hỏi phải có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, ghi rõ công thức, chỉ định và chống chỉ định, tư liệu chứng minh hiệu quả điều trị… Rồi còn hàng loạt những thủ tục khác. Nói thiệt, cái quyền sở hữu bài thuốc chữa rắn cắn này là của cả gia tộc, làm sao tui tự nhận của mình được?”.

img Bà Quách Thị Huệ (trái) đang tư vấn cho người bệnh.    Hồng Đức

 

Ông Tiến còn chia sẻ thêm: Thủ tục đòi hỏi sự xác nhận của quá nhiều nơi; có nhiều thủ tục nên ông không thể đáp ứng được. Ông chỉ làm thuốc trong sự tín nhiệm để giúp mọi người, chủ yếu là lấy tiền xăng xe. Nghề thuốc chỉ “làm cho vui”, ngoài ra gia đình ông còn phải làm ruộng, nuôi heo mới đủ đắp đổi cuộc sống…

Còn theo ông Lương Văn Trong (thị trấn Hòa Hiệp Trung, Đông Hòa, Phú Yên), việc đăng ký hành nghề luôn đòi hỏi bằng cấp, chứng nhận, địa điểm, năng lực… hết sức nhiêu khê.

“Tui cùng nhiều anh em đông y hiện rất khó đáp ứng được các quy định về đăng ký bài thuốc, đăng ký hành nghề. Bản thân tôi chỉ chữa các bệnh “đả khớp, nối xương” theo phương thức gia truyền trong dòng tộc. Giá cả mỗi lần làm chỉ vài chục nghìn đồng, phù hợp với túi tiền đa số nông dân nghèo. Nhiều người quá khó khăn thì tôi không lấy tiền. Tôi làm tận tâm bằng hiểu biết của mình, ca bệnh nào quá sức thì tôi hướng dẫn đến nơi chữa trị phù hợp hơn… Nếu buộc phải đăng ký thì nhiều anh em sẽ phải bỏ nghề, hoặc có làm thì không thể lấy giá rẻ được…” - ông Trong cho hay.

Ý kiến

Ông Trần Tiến
 Quy định đòi hỏi phải có giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền, ghi rõ công thức, chỉ định và chống chỉ định, tư liệu chứng minh hiệu quả điều trị… Rồi còn hàng “lô xắc xông” các thủ tục khác. Nói thiệt, cái quyền sở hữu bài thuốc chữa rắn cắn này là của cả gia tộc, làm sao tui tự nhận của mình được?”. 
Lương y Lê Huy Kông - Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa cho biết, đơn vị hiện có gần 100 hội viên nhưng chỉ có 9 lương y có giấy phép mở phòng chẩn trị. “Thực tế, một số thầy thuốc có tay nghề rất giỏi nhưng không có bằng cấp theo quy định. Nhiều người đã lớn tuổi, không thể đi học để lấy bằng. Tâm lý nhiều người hiện không muốn công bố các bài thuốc “tuyệt kỹ” gia truyền, nếu có đề cập thì họ cũng “bớt vài vị” để khỏi… bị lộ”.

 

Không phải muốn đăng ký… là được

Tại xóm Lồ, xã Phong Phú (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) có bà mế Hà Thị nổi tiếng vì sở hữu bài thuốc chữa viêm phổi. Theo tây y hiện nay, viêm phổi là bệnh nặng, cần điều trị kháng sinh mạnh, thế nhưng bà Tiến chỉ cần chữa bằng rễ cây han và 25 loại cây khác sống ở trên núi (trong khi cây han/lá han có chất độc). Nói về việc đăng ký bài thuốc, mế Tiến ngơ ngác bảo mế không biết làm thế nào, bởi đơn giản việc truyền lại bài thuốc này cũng đầy bí ẩn: “Chỉ được truyền lại cho mỗi một người; và phải vào thời điểm trong 3 ngày, từ 27 - 29 tháng Chạp mỗi năm. Người học phải nhận dạng cây thuốc và nhớ lấy, nếu trong 3 ngày không nhớ được thì chứng tỏ người đó không có tâm nối nghề và vĩnh viễn mất cơ hội”- mế nói.

Cũng theo mế Tiến, việc truyền bài thuốc đã phức tạp như vậy thì “có đăng ký bài thuốc cũng chẳng ai tin”.

Tại Thanh Hóa - tỉnh có rất nhiều ông lang, bà mế sống ở những vùng non cao thì phần lớn cũng không đăng ký bất cứ điều kiện gì để hành nghề.

Vốn là một người đứng trong ngành giáo dục hơn 30 năm, nhưng bà Quách Thị Huệ (58 tuổi) – người dân tộc Mường, thôn Xuân Phong (xã Hải Vân, huyện Như Thanh) được mọi người trong và ngoài tỉnh biết đến bởi đã giúp không ít cặp vợ chồng hiếm muộn có được niềm hạnh phúc trọn vẹn, đưa nhiều bệnh nhân ốm nặng trở về với cuộc sống đời thường.

Tâm sự với chúng tôi, bà Huệ cho biết: “Tôi là một nhà giáo, là con đầu trong một gia đình có 5 anh chị em, là đời thứ 4 làm nghề chữa bệnh cứu người”. Ngay từ nhỏ, bà Huệ đã theo bà ngoại và mẹ lên rừng đi hái thuốc, dần dần bà trở thành “phụ tá” đắc lực trong việc này. Khi mẹ qua đời, bà Huệ vừa dạy học, vừa thay mẹ bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Nhân dân trong vùng có ai đau ốm hay rắn, rết cắn đều đến nhờ bà Huệ lấy thuốc.

Năm 2006, bà Huệ trở thành thành viên chính thức của Hội Đông y huyện Như Thanh. Hội cũng đã nhiều lần động viên bà Huệ làm hồ sơ, để đăng ký “giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”. Tuy nhiên, bà Huệ cho hay, dù đã nhiều đời làm việc cứu người, nhưng việc đăng ký được bài thuốc này không phải dễ, bởi trong bài thuốc của các cố nhân truyền lại, có những vị thuốc chỉ ở trên dân tộc Mường mới có, có những vị thuốc nói được nhưng không thể viết được, hay có khi phải dùng đến “mẹo” nên không thể ghi ra giấy được. “Làm nghề này phải xuất phát từ cái tâm, ai có bệnh đến nhờ, những bệnh nào chữa được thì tôi mới nhận giúp. Từ xưa đến nay, gia đình tôi chưa bao giờ có một hình thức nào lôi kéo, dụ dỗ người dân đến chữa bệnh. Họ biết đến tôi là do truyền miệng thôi” - bà Huệ cho biết.

Còn với ông lang Lắc ở xã Tân Phúc (huyện Nông Cống), khi nhắc đến việc phải đăng ký mới được khám chữa bệnh, ông cho rằng: “Ai cần thì tôi mới giúp thôi, chứ có khám chữa bệnh gì đâu. Vả lại, bài thuốc chữa “mẹo”, không thể công khai đủ thành phần để đăng ký được”.

 Mặc dù ông Lê Văn Lắc và bài thuốc của ông chưa được ngành y tế chứng nhận, nhưng mấy chục năm qua, ông đã chữa khỏi bệnh xương, khớp cho rất nhiều người trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi cũng không có cách nào can thiệp khi người dân tự tìm tới chữa bệnh.
Ông Lê Đình Hùng -    Chủ tịch UBND xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, Thanh Hóa

Bài thuốc quý còn là chuyện “cơm áo gạo tiền” nên nhiều gia tộc còn không truyền nghề thuốc cho con gái, bởi sợ bí quyết rơi vào tay… con rể! Bởi vậy, khó có thể hy vọng họ đăng ký hành nghề đông y và công bố bài thuốc.
Ông Lê Huy Kông - Chủ tịch Hội Đông y huyện Đông Hòa