Cuộc điện thoại bất ngờ
14 năm đã trôi qua nhưng những gì xảy ra trong ngày 20.4.1999 vẫn còn đọng nguyên trong tâm trí của nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức. Anh Đức lúc đó là phóng viên ảnh của Báo Nông Thôn Ngày Nay (NTNN), người đã trực tiếp tham gia cuộc giải cứu cháu bé Sugimoto Torahiko mới được hơn 7 tháng tuổi của cặp vợ chồng người Nhật sống tại khu làng văn hóa Việt – Nhật.
Nhà báo Trần Việt Đức. |
Trần Việt Đức nhớ lại: “Trưa ngày 20.4.1999, tôi cùng nhà báo Lê Thọ Bình - Trưởng ban Biên tập Báo NTNN và nhà báo Kim Trung đi ăn cơm trưa. Khi vừa vào quán cơm thì tôi nhận được điện thoại của người bạn lái xe trong khu Làng văn hóa Việt – Nhật (COCO) ở 14 Thụy Khuê (Hà Nội) báo cho biết ở đó đang có vụ bắt cóc 1 cháu bé người Nhật”. Chưa kịp cầm đũa, Trần Việt Đức vội rủ nhà báo Kim Trung lấy chiếc xe Dream II của nhà báo Lê Thọ Bình đến ngay hiện trường.
“Khi chúng tôi lên đến nơi thì cũng vừa lúc một chiếc taxi đang chở con tin ra đến cổng. Trên xe là tên bắt cóc đang cầm dao kề vào cổ con tin. Ngay lập tức tôi đưa máy ảnh lên và chộp lấy khoảnh khắc đó.
Sau khi tôi và anh Kim Trung chạy xe theo đằng sau chiếc taxi lên đến cầu Chương Dương thì công an không cho phép đi cùng vì cho rằng sẽ nguy hiểm và có thể gây khó khăn cho đội giải cứu.
Nhưng tôi và Kim Trung vẫn gan lì bám theo đằng sau đội đặc nhiệm đi xe máy. Sau một đoạn đường, chúng tôi và cả đội đặc nhiệm bỗng trở nên thân thiết và coi nhau như đồng đội”- anh Đức chia sẻ.
Bức ảnh nhà báo Trần Việt Đức chụp tên bắt cóc đang gí dao vào em bé trong taxi. |
Cũng từ sự thân thiết ấy mà phóng viên ảnh Trần Việt Đức có lúc còn được ngồi chung ô tô với Phó Giám đốc Sở Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh. Nhờ vậy, anh đã được nghe cuộc điện thoại trao đổi nhanh giữa ông Nhanh và Giám đốc Sở - Thiếu tướng Phạm Chuyên.
Có những phương án được đề ra ngay trên xe, đó là tạo cớ chặn xe rồi sau đó bất ngờ tấn công giải thoát cho cháu bé. Nhưng vì tên bắt cóc quá tỉnh táo và cảnh giác cao độ nên cả ban chuyên án không dám manh động. Suốt cuộc rượt đuổi từ Hà Nội lên Lạng Sơn đã diễn ra đến 6 cuộc thương thuyết giữa công an và tên bắt cóc.
“Đầu tiên chiếc xe taxi rẽ ra đường 5 sau đó lại vòng lại đi đường Bắc Ninh, và khi đến thị xã Bắc Ninh thì đường bị tắc bởi chắn tàu. Các chiến sĩ đặc nhiệm lao lên và họ nghe thấy tiếng cháu bé khóc ngằn ngặt vì đói sữa trong xe. Cháu bé khóc to đến nỗi những người ở cách xe đến cả chục mét vẫn nghe thấy. Một chiến sĩ công an mua ngay hộp sữa bán bên đường đưa cho thượng tá Nguyễn Việt Chức- Đội trưởng Đội đặc nhiệm. Hai chiến sĩ đến bên chiếc xe giơ hộp sữa ra và bảo tên cướp cho cháu bé uống nhưng hắn không nghe, chỉ chờ thông đường là lại thúc giục người lái xe đi nhanh”- Trần Việt Đức kể.
Giây phút quyết định
Đến khoảng gần 14 giờ 30 phút, khi đến thôn Cả, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, nơi đây là một khúc cua khá gấp và có núi ở bên đường, tên cướp dừng xe và các đồng chí công an tiếp tục cuộc thương thảo nhưng bất thành và chiếc xe lại vun vút lao đi với tốc độ 120km/giờ. Đúng lúc trời đổ mưa to, 2 phóng viên NTNN và các chiến sĩ đặc nhiệm phóng môtô đuổi theo không mũ, không áo mưa, đường đang sửa nên nhiều đoạn đường trơn như đổ mỡ.
Trần Việt Đức thấy số anh thật may mắn khi trước đó một ngày, không hiểu sao lại quyết định đi mua ống kính máy ảnh tele 400 chống rung, nên toàn bộ sự việc đã được ghi vào máy ảnh qua những shoot hình không phóng viên nào có được. Cuộc thương thảo cuối cùng được đưa ra khi xe vừa qua ải Chi Lăng, thị xã Lạng Sơn (Lạng Sơn). Một đoàn xe dài dằng dặc bị chặn lại bởi 2 xe tải Kamaz loại semi rơmooc "đấu đầu" nhau. Tên cướp không hề hay biết vụ tắc đường này chính là do các chiến sĩ cảnh sát giao thông và cảnh sát hình sự tạo ra.
Nhà báo Trần Việt Đức
Ngay sau đó là một cuộc hội ý nhanh, Phó Giám đốc Nguyễn Đức Nhanh quyết định đưa ra phương án cần phải nổ súng và tiêu diệt tên bắt cóc tại đây. Hai chiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Việt Chức đã xung phong làm nhiệm vụ bắn.
Sau khi quan sát thấy cháu bé đã mệt và thiếp ngủ trong lòng tên bắt cóc, thượng tá Nguyễn Việt Chức thủng thẳng đi đến bên chiếc xe, anh Thanh Hùng đi đằng sau khoảng 2m, súng được giấu sau lưng. Một tiếng nổ chói tai vang lên. Và gần như ngay tức khắc, anh Chức cũng kịp nổ súng. Hai viên đạn đi như chụm một điểm vào cổ tên cướp và hất hắn văng nghiêng, đập đầu vào cửa xe. Em bé được giải thoát an toàn trong sự sung sướng tột cùng.
“Khi tôi và Kim Trung trở về, trời vẫn đổ mưa to, xe máy của chúng tôi còn bị thủng săm, phải dắt bộ một đoạn mới có chỗ vá. Về đến nơi, tôi đi ra cửa hàng rửa ảnh ngay và báo cáo cho Tổng Biên tập Võ Mai Nhung và anh Lê Thọ Bình. Ngay sau đó, Ban Biên tập quyết định sẽ đưa toàn bộ sự việc lên báo, đẩy ngày phát hành báo sớm hơn một hôm so với định kỳ. Cả tòa soạn đã thức và làm gần như trắng đêm. Tôi nhớ số báo đó còn đăng rõ, đây là thông tin độc quyền, cấm được sao chép”- nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức xúc động nhớ lại.
Thanh Hà