Dân Việt

Sai sót hài “không đỡ nổi” trong cuốn sách về tài sản văn hóa dân gian

07/11/2014 13:30 GMT+7
Lật ngược, lật xuôi cuốn sách, chị không hiểu cuốn sách do đơn vị nào xuất bản: Bìa ngoài cuốn sách ghi Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc nhưng bìa phụ bên trong lại đề tên Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

img

Với cách trình bày này, người đọc không hiểu cuốn sách do nhà xuất bản nào ấn hành (Ảnh: CTV)

Sách được xuất bản và nộp lưu chiểu “năm 20121,” cuốn sách có 272 trang nội dung nhưng phần mục lục lại chỉ thống kê đến trang 71… Đó là những sai sót “đập trực diện” vào mắt người đọc khi lật giở một số cuốn sách thuộc “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.”

Không hiểu sách của nhà xuất bản nào

Cầm cuốn sách “Lịch sử và nghệ thuật ca trù” (một tác phẩm thuộc “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam”), chị N. Loan (Cầu Giấy, Hà Nội) không giấu được sự ngạc nhiên.

Lật ngược, lật xuôi cuốn sách, chị không hiểu cuốn sách do đơn vị nào xuất bản bởi: Bìa ngoài cuốn sách ghi Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc nhưng bìa phụ bên trong lại đề tên Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.

“Sự cố” trên không chỉ xảy ra ở một đầu sách mà còn lặp lại ở một số tựa sách khác như “Chèo cổ xứ Nghệ” (bìa ngoài ghi Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội, bìa trong lại chỉ đề tên đơn vị xuất bản là Nhà xuất bản Đại học Quốc gia).

img

Bìa trong và bìa ngoài không thống nhất tên nhà xuất bản (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Không chỉ có vậy, chị Loan còn không khỏi bất ngờ khi cuốn “Văn học dân gian Ê Đê, Mơ Nông” ghi thời gian in và nộp lưu chiểu là quý 2 năm 20121, cuốn “Nghề và làng nghề thủ công ở Thái Bình” có 272 trang nội dung nhưng mục lục của sách lại chỉ thống kê đến trang 71…

“Chưa nói đến phương diện nội dung, sự cẩu thả trong cách trình bày sách khiến người đọc cảm thấy rất… nản, không muốn đọc tiếp nội dung sách,” chị Loan bày tỏ.

Trong khi đó, Quyết định số 1598/QĐ-TTg (ngày 26.10.2012) của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn hai (2013-2017) ghi rõ mục tiêu của dự án: “Giúp các thế hệ sau hiểu biết thêm về lịch sử văn hóa của các dân tộc Việt Nam; tạo điều kiện cho các dân tộc, các quốc gia trong khu vực và trên thế giới hiểu biết thêm về Việt Nam, một đất nước có nền văn hóa đa dạng, nhằm quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam trên toàn thế giới.”

Bên cạnh đó, các tác phẩm/công trình thuộc dự án này công bố còn nhằm cung cấp tư liệu chính xác, phục vụ công tác nghiên cứu sáng tác trên các lĩnh vực của nền văn hóa văn nghệ dân tộc cổ truyền như: Tri thức sản xuất, phong tục tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa nghệ thuật.

img

Cuốn sách có thời gian lưu chiểu là năm... 20121 (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Làm sách, lỗi sai nào cũng là lỗi lớn”

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, ông Đoàn Thanh Nô - Giám đốc Văn phòng “Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hóa, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.”: “Đó là những sai sót đáng tiếc về khâu in ấn, liên quan đến hình thức những cuốn sách.”

Ông Đoàn Thanh Nô cho biết, cho đến thời điểm hiện nay, dự án đã công bố, xuất bản 1.600 đầu sách giới thiệu về văn hoá văn nghệ dân gian của các tộc người hiện đang sinh sống trên đất nước Việt Nam. Mỗi đầu sách được in 2.000 bản.

Theo ông Nô, đây là dự án có số lượng đầu sách, xuất bản phẩm lớn nhất cả nước từ trước tới nay.

“Với số lượng lớn như vậy, việc sai sót về lỗi kỹ thuật là rất khó tránh khỏi. Tuy nhiên, số lượng những sai sót này là không lớn và đó chỉ là sai sót về mặt hình thức. Còn về nội dung, chúng tôi đảm bảo không có sự sai sót. Tất cả nội dung các xuất bản phẩm thuộc dự án đều được thẩm định kỹ lưỡng bởi các nhà chuyên môn hàng đầu của lĩnh vực đó,” ông Nô nói.

img

Bìa phụ nằm ở vị trí khác thường (Ảnh: A.N/Vietnam+)

Lý giải về nguồn gốc những cuốn sách không rõ được in ở nhà xuất bản nào như trên, ông Nô cho biết: Với khối lượng ấn hành rất lớn, các công trình, tác phẩm thuộc dự án được in ở nhiều đơn vị xuất bản khác nhau. “Chúng tôi sẽ rà soát lại để xem lỗi như vậy thuộc khâu nào để có hướng xử lý cụ thể,” ông Nô nói.

Tuy nhiên, chính ông Nô cũng nhìn nhận: “Đã làm sách thì phải nghiêm túc, chuẩn xác, lỗi nào cũng là lớn. Khi những lỗi sai này được phát hiện thì đơn vị chủ quản sẽ phải chịu trách nhiệm, kiểm tra xem sai sót ở khâu nào và có biện pháp xử lý cụ thể.”

Ông Đoàn Thanh Nô cho biết, trong đợt sách đầu tiên (năm 2013) của giai đoạn hai thực hiện dự án, đơn vị này cũng đã nhận được một số phản hồi về những sai sót về hình thức ở một số tác phẩm, công trình.

img

Mục lục làm khá ẩu (Ảnh: A.N/Vietnam+)

“Ngay sau đó, chúng tôi đã có sự đính chính, khắc phục những lỗi sai này. Những sai sót về hình thức như vậy không nguy hiểm như sai sót về nội dung. Khi phát hiện lỗi in ấn, đơn vị phát hành được phép đính chính. Điều chúng tôi quan tâm nhất là chất lượng nội dung tác phẩm,” ông Nô bày tỏ.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định số 1905/QĐ-TTG (ngày 24/12/2008) về việc phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn 1 (2008-2012) và Quyết định số 1598/QĐ-TTg (ngày 26/10/2012) về việc phê duyệt Dự án công bố, phổ biến tài sản văn hoá, văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam giai đoạn 2 (2013-2017).

Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam được giao làm đầu mối thực hiện dự án.

Theo ông Đoàn Thanh Nô, tổng kinh phí để thực hiện giai đoạn 1 là 90 tỷ đồng và tổng kinh phí để thực hiện giai đoạn 2 là 150 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 1, dự án lựa chọn công bố 1.000 tác phẩm, công trình; ở giai đoạn 2, dự án ông bố 1.500 tác phẩm/công trình thuộc tài sản văn hóa văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.

Ông Đoàn Thanh Nô cho biết, những tác phẩm này được đưa vào các thư viện cấp quận/huyện trở lên và thư viện các trường đại học, cao đẳng thuộc khối khoa học xã hội... để phục vụ nghiên cứu, học tập.