Dân Việt

Hai chữ “thu hồi” trong câu chuyện đất đai

17/06/2013 16:03 GMT+7
(Dân Việt) - Nút thắt cho mọi vấn đề, cũng là câu hỏi hóc búa nhất giải bài toán 70% các vụ khiếu tố liên quan đến đất đai, chỉ nằm ở 2 chữ "thu hồi".

Sáng nay, 17.6, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Quốc hội trong một phiên họp được truyền hình trực tiếp tới cử tri và nhân dân. Nút thắt cho mọi vấn đề, cũng là câu hỏi hóc búa nhất giải bài toán 70% các vụ khiếu tố liên quan đến đất đai, chỉ nằm ở 2 chữ "thu hồi".

Khi được hỏi quan điểm cá nhân về 2 chữ "thu hồi", khi bản chất thu hồi giống như một sự thỏa thuận không công bằng giữa Nhà nước và người dân, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đôi chút đắn đo, sau đó khẳng định: "Thật ra, tôi nghĩ là việc Nhà nước thu hồi liên quan đến quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước". Và vì trong lần sửa luật này, vấn đề sở hữu không được đặt lại, cho nên, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang có lý khi ông nói "thu hồi là hợp lý".

Nhưng, cơ chế thu hồi trong luật sửa đổi cần phải có sự hợp lý để tránh những bất hợp lý, nguồn cơn của khiếu tố khi trong hầu hết các vụ thu hồi, mức giá đền bù chênh lệch với giá thị trường, có trường hợp thậm chí tới 35 lần.

Chúng ta có một số thông số liên quan đến thu hồi:

70% số vụ khiếu tố liên quan đến đất đai. Trong khiếu tố về đất đai, chủ yếu là khiếu tố liên quan đến thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư, tức là xung quanh sự thỏa thuận hoặc áp đặt không công bằng giữa Nhà nước và người dân.

Địa phương có khiếu tố phức tạp nhất, vượt cấp nhiều nhất, đông người nhất, gay gắt nhất, nóng bỏng nhất (theo Thanh tra Chính phủ) là Hưng Yên, khó nhận ra là có nhiều dự án khu đô thị mới dưới danh nghĩa dự án KTXH.

Trong số 7 triệu ý kiến góp ý vào dự thảo luật, có tới gần 2 triệu ý kiến liên quan đến vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Đây chính là nội dung có số lượng ý kiến tham gia đóng góp nhiều nhất.

Sở hữu không thay đổi. Và vì thế, không thể đòi hỏi một thỏa thuận công bằng trong cơ chế thu hồi. Vậy làm thế nào để người bị thu hồi "tâm phục, khẩu phục" để giảm thiểu tối đa khiếu tố về đất đai?! Vấn đề là cực khó. Nhưng không phải không có hướng giải quyết.

Dẫn ý kiến cử tri, ĐBQH Bùi Thị An nói điều họ mong muốn là Quốc hội sẽ sáng suốt để chỉ thông qua một bộ luật mà cơ chế thu hồi được nói rõ chỉ áp dụng đối với các dự án vì mục đích quốc gia, quốc phòng, an ninh hay những dự án kinh tế - xã hội ở cấp quốc gia. Còn thu hồi đất cho những dự án khác thì chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần có sự thỏa thuận cụ thể với nhân dân. Còn báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai cho biết có hơn 130.000 lượt ý kiến của người dân đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất.