Giúp hàng trăm hộ vay hơn 5,2 tỷ đồng
Mỗi năm, Hội ND xã đã chủ động cung ứng cho ND hàng chục tấn cây giống, phân bón với chất lượng đảm bảo và giá cả thấp. Ông Nguyễn Văn Trung - một tiểu thương ở Mộc Châu, cho biết: Hội ND Chiềng Sơn làm mạnh tay và thực chất nên giá cả của họ khi đến với ND rất thấp, doanh nghiệp tư nhân còn khó cạnh tranh. Ba năm nay, tôi không còn cung ứng vật tư nông nghiệp ở Chiềng Sơn nữa.
Nông dân vùng cao Phù Yên nuôi nhốt dê từ nguồn vốn hỗ trợ không lãi của Hội ND huyện. |
Không chỉ giúp người dân chủ động giống, vốn; Hội ND xã còn tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của ND, phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị chức năng tổ chức hàng chục lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xây dựng 45 mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn. Ông Lê Trường Sinh - Chủ tịch Hội ND xã, cho biết: ND vùng cao nếu không được cầm tay chỉ việc thì rất khó làm theo. Vì thế cán bộ phải nắm bắt xem họ yếu ở khâu nào, nhu cầu nào hợp lý để tham mưu cho Hội cấp trên, cho cấp uỷ, chính quyền có chính sách hỗ trợ kịp thời. Khi người dân đã có kiến thức sản xuất, có giống, có vật tư thì điều kiện mở rộng sản xuất được nâng lên, nhu cầu về vốn lớn cũng cần được tháo gỡ. Hội đã tín chấp với ngân hàng chính sách huyện, Quỹ Tín dụng nhân dân xã giúp hàng trăm hộ vay hơn 5,2 tỷ đồng.
Thiết thực giúp dân xóa nghèo
Chị Mùa Thị Phương
Cũng với quan điểm lo cho dân phải quyết liệt và hiệu quả, Hội ND huyện Phù Yên, Hội ND tỉnh Sơn La có nhiều việc làm thiết thực giúp dân xoá nghèo, làm giàu. Ngoài những hoạt động như: Lo vốn, lo giống, chuyển giao kiến thức sản xuất, xây dựng mô hình khuyến nông, khuyến ngư… các cán bộ hội ở đây đã tự xây dựng được một khoản Quỹ Vì nông dân.
Ông Cầm Văn Thiết - Chủ tịch Hội ND huyện Phù Yên, cho biết: Ba năm nay, mỗi cán bộ huyện hội trích 50.000 đồng/tháng tiền lương góp vào quỹ này. Số quỹ này được sử dụng rất hiệu quả và sẽ được thử nghiệm tiếp trước khi nhân rộng xuống xã, bản.
Anh Đinh Xuân Nhiên ở bản Vạn, xã Tân Phong, cho biết: Quỹ của cán bộ Hội ND huyện đã giúp được nhiều hộ rồi đấy. Quỹ nhỏ thì làm ăn kiểu nhỏ, mua mấy chục mái gà, vịt, đôi dê bố mẹ giao cho vài hộ dân nuôi luân phiên. Tuy nguồn thu từ quỹ này với hộ hưởng thụ chỉ chừng vài triệu đồng/năm nhưng các hộ được hướng dẫn cẩn thận từ cách tiêm phòng, cho ăn, làm chuồng trại… Đây chính là cách tập huấn khuyến nông hiệu quả nhất mà lại tăng cường mối quan hệ chặt chẽ giữa cán bộ hội với ND.
Kiều Thiện