- Chuyện ấy có nhiều rồi. Đau nhất là tuần qua ở xã Nghĩa Hà, TP.Quảng Ngãi dân hiến đất để làm kênh thủy lợi N621, thế là đơn vị thi công vội vàng đến san béng 13 ngôi mộ nằm trên tuyến thi công. Mất cả chì lẫn chài.
- Bây giờ kinh tế khó khăn, các lực lượng xây dựng “háo ăn” lắm, có việc là họ nổ máy tiến vào luôn. Ở Hà Nội chợ Thành Công chưa công bố cải tạo cụ thể, xe máy đã vào, bà con tiểu thương lại phải “xuống đường” tranh đấu vì miếng cơm manh áo. Nhưng dân thành phố họ mạnh hơn nông dân, đã có phản ứng tập thể là chính quyền dừng lại xem xét ngay.
- Ông nói thế hóa ra nông thôn ta không có tinh thần dân chủ cao bằng dân đô thị? Xin lỗi nhá, thử nhớ lại những vụ “rào làng chiến đấu” để bảo vệ môi trường bị các doanh nghiệp gây ô nhiễm ở Hải Dương, Thanh Hóa, Ninh Bình, Đà Nẵng, Khánh Hòa… xem có hoành tráng không. Có nơi còn cắm trại trực chiến hàng tháng trời.
- Nói thế cũng chưa đúng ở phố Quán Thánh giữa quận Ba Đình có ông nhà ngoài không cho chữa cống tắc thế là 12 hộ ở bên trong, 60 nhân mạng hơn một năm phải sống với cống ngập mà chẳng ai làm gì được nhau. Chính quyền ra văn bản chẳng ai nghe.
- Bõ bèn gì với triều cường ở TP. HCM và các tỉnh Nam Bộ, ngập lụt đã đành, còn sóng to mưa lớn vỡ bờ bao là đi toi ruộng lúa, vườn cây, ao cá.
- Ai bảo “đắp đê” ở Nam Bộ, như ngày xưa vụ lúa vụ cá sống chung với lũ, vừa lo cơm, vừa thừa mồi nhậu. Mùa lũ ngồi nhà cao cẳng, lai rai với con sặc nướng, ung dung lắm.
- Thôi xin các ông bà đừng nói dở hơi. Phải làm 3 vụ 1 năm mới giữ được ngôi vị đứng đầu về xuất khẩu gạo. Mũi nhọn kinh tế của ta chỉ có mỗi hạt gạo tảo tần thôi đấy.
- Xuất khẩu lao động, kể cả xuất khẩu cô dâu cũng nhọn, mà toàn là nông dân nhá!
- Xem lại đi, ai lợi hơn ai, các thương lái gạo hay dân cày, các công ty xuất khẩu lao động hay người “đi phu quốc tế”?