Dân Việt

650.000ha lúa đối mặt với hạn hán

10/11/2010 09:31 GMT+7
(Dân Việt) - Mùa đông năm nay sẽ có khoảng 3-4 đợt rét đậm rét hại, tập trung vào tháng 12-2010, kèm theo mưa ít, hồ chứa sẽ thiếu nước, và khoảng 650.000ha lúa đông xuân 2010-2011 phải chịu hậu hoạ...
img
Hạn hán, rét đậm rét hại sẽ khiến việc gieo cấy vụ đông xuân 2010-2011 của nông dân gặp nhiều khó khăn.
Ảnh: Đình Thắng

Rét đậm rét hại, mưa ít...

Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương (NCHMF) dự báo, mùa đông năm nay có khả năng sẽ xảy ra 3 - 4 đợt rét đậm - rét hại, nhiệt độ trung bình ngày từ 150C trở xuống, tập trung vào tháng 12-2010 và tháng 1-2011.

Sở NN&PTNT Hà Nội đã lên kế hoạch sản xuất vụ xuân 2011 hợp lý, bố trí diện tích và cơ cấu, thời vụ gieo trồng phù hợp với năng lực nguồn nước hiện tại. Đối với những diện tích trồng lúa nước không đảm bảo đủ nước tưới suốt vụ, Sở chỉ đạo chuyển sang cây trồng cạn sử dụng ít nước.

Đợt rét đậm đầu tiên có khả năng xuất hiện vào đầu tháng 12, sớm hơn so với mức trung bình nhiều năm. Xét nền nhiệt độ nửa đầu vụ đông xuân năm 2010 - 2011 tại phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ phổ biến ở mức thấp hơn một chút so với trung bình nhiều năm, các tháng cuối vụ ở mức xấp xỉ.

Theo ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc NCHMF, trong vụ đông xuân 2010-2011, mưa ít, kéo theo đó dòng chảy trên phần lớn các sông sẽ rất thấp.

Bắc Trung bộ, Trung Trung bộ có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-30%, có nơi trên 35%. Ông Tăng nhận định khu vực ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên, dòng chảy các sông có khả năng thiếu hụt trên 60%. Tình trạng thiếu nước, khô hạn xảy ra trên diện rộng. Riêng ở Nam bộ cần chủ động đối phó tình trạng thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn sâu vào đất liền.

img
 

Mưa ít, dòng chảy trên các sông thấp cũng ảnh hưởng lớn đến việc tích nước của hệ thống hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), tính đến cuối tháng 10, các hồ chứa thủy lợi vừa và lớn ở phía Bắc chỉ đạt khoảng 84% mức thiết kế, con số này ở hồ chứa nhỏ chỉ đạt 70 - 85%.

Ông Đặng Duy Hiển (Vụ Quản lý công trình - Tổng cục Thủy lợi) cho biết: Riêng trên sông Hồng, mực nước và lưu lượng nước vẫn thường xuyên duy trì ở mức thấp, trong tháng 10 chỉ cao 2,85m, lúc cao nhất chỉ đạt 3,88m, trong khi, mức bình quân các năm trước đạt 2,91m

Lúa đông xuân sẽ... lãnh đủ

Theo ông Hiển, cũng do mưa ít, nên nạn xâm mặn lấn sâu vào nội địa. Thời gian tới, nếu không có mưa, dòng chảy các sông suy giảm, sẽ tác động rất lớn đến việc lấy nước ngọt dự trữ và lượng nước để đổ ải. Nếu kịch bản đó xảy ra thì khoảng 650.000ha lúa đông xuân của đồng bằng Bắc bộ sẽ lâm nguy.

Trước tình trạng nguồn nước những tháng cuối năm có thể ảnh hưởng nặng nề tới vụ đông xuân, Bộ NN&PTNT đã yêu cầu các tỉnh, thành phía Bắc, tùy điều kiện thực tế của địa phương để bố trí diện tích, cơ cấu, thời vụ gieo trồng hợp lý.

img
 

Đối với những diện tích trồng lúa nước, trường hợp không đảm bảo đủ nước suốt vụ, phải chuyển sang loại cây cạn, dùng ít nước. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng: “Để né hạn, mặn cuối vụ, cần tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11 đạt khoảng 60%, diện tích còn lại gieo sạ trong tháng 12”.

Về vấn đề thuỷ lợi, để quản lý chặt chẽ và tiết kiệm các nguồn nước, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nhất là ở các vùng sâu, vùng ven biển bị xâm mặn, ông Vũ Văn Thặng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi - cho rằng:

“Ngay từ bây giờ, các địa phương cần lên kế hoạch chống hạn, nạo vét các cửa dẫn nước, bể hút trạm bơm đầu mối, hệ thống kênh mương, cống lấy nước… để nước có thể thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Cùng đó, các tỉnh Bắc bộ phải chuẩn bị lắp đặt các trạm bơm dã chiến khi mực nước sông, kênh chính bị hạ thấp”.

Ông Phạm Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT): Chủ động ngay cơ cấu cây trồng

Nguy cơ thiếu nước và hạn hán đã hiện rõ ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở các tỉnh vùng cao. Hiện nay, Cục Trồng trọt đang tích cực chỉ đạo các địa phương lên phương án cụ thể tích trữ nước trong hồ chứa, nạo vét kênh mương để lấy tối đa lượng nước; đồng thời khuyến cáo các địa phương tận dụng lượng nước nhỏ ở trong đồng, đồng thời sử dụng tiết kiệm nước ở các hồ chứa, tránh để xảy ra tình trạng lãng phí nước tưới. Vấn đề “nóng” lúc này là các địa phương cần chủ động nguồn nước tưới để phục vụ cho vụ lúa đông xuân 2010-2011. Các địa phương cần nhanh chóng khoanh vùng những diện tích thiếu nước để chủ động cơ cấu cây trồng phù hợp. Đối với những diện tích không có khả năng trồng lúa cần chuyển sang trồng các loại cây rau màu có khả năng chống chịu hạn như ngô, đậu tương, lạc...

Ông Bùi sĩ Doanh - Phó cục trưởng cục BVTV: Đáng ngại nhất là sâu bệnh

“Tính đến thời điểm này, thiếu nước, hạn hán chưa ảnh hưởng nhiều đến cây trồng vụ đông. Tuy nhiên, điều đáng ngại nhất hiện nay là tình hình sâu bệnh hại cây ngô trà đông sớm, nhất là bệnh lùn sọc đen trên cây ngô, đây là nguồn lưu trú của virus có thể lây sang mạ và lúa đông xuân”.