Dân Việt

Hối lộ - xứ người, xứ ta

Vĩnh Hoàng 10/11/2014 06:19 GMT+7
Báo chí nước ta rộ tin: Công ty Bio – Rad (Mỹ) bị cáo buộc giả mạo chứng từ để che giấu các khoản thanh toán và đã trả 7,5 triệu USD, hối lộ quan chức 3 nước, trong đó, Việt Nam là 2,2 triệu USD.

Khoản tiền này được hối lộ trong nhiều năm, để giành hợp đồng bán thiết bị, sinh phẩm, hóa chất y tế. Báo chí đặt nhiều câu hỏi cho Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến “Việt Nam nhập khẩu qua Bio – Rad những mặt hàng nào?”, “Khi có thông tin vụ việc, ngoài các cơ quan chức năng vào cuộc, Bộ có chủ trương rà soát, tìm hiểu không?”... Dù rất cởi mở, song Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra khá thận trọng không trả lời quá nhiều về vụ việc này. Với tất cả các câu hỏi, bà chỉ nhấn mạnh các cơ quan điều tra đang khẩn trương làm rõ các thông tin liên quan đến nghi án hối lộ.

“Luật Chống cạnh tranh không bình đẳng” năm 1993 của Nhật Bản, nghiêm cấm hành vi cung cấp tiền hoặc bổng lộc cho các quan chức nước ngoài. Nếu vi phạm, sẽ lãnh án 5 năm tù và kèm theo mức phạt tiền 5 triệu yên. Một tòa án ở Tokyo tháng trước đã xử 3 bị cáo là cựu chủ tịch, cựu giám đốc và cựu cố vấn Tập đoàn JTC hối lộ 70 triệu yên cho 3 quan chức cấp cao Công ty Đường sắt Việt Nam, để giành được hợp đồng Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội.

Trong khi đó ở ta, để giành được các hợp đồng ở nước ngoài, lãnh đạo các công ty đã không ngần ngại trả các khoản tiền “bôi trơn” cho những quan chức có quyền. Khoản tiền ấy ở nước ta thường gọi là lại quả, là lộc... Song ở nước ngoài người ta gọi là hối lộ - một tội danh có thể dẫn quan chức đến... trại giam. Điểm lại “vụ đường sắt” vụ “hành lang Đông – Tây” ta thấy sự khác nhau ở xứ người, xứ ta. Thứ nhất, xứ người trọng cạnh tranh, hối lộ để giành lấy các gói thầu được gọi là hành vi cản trở tự do cạnh tranh – hành vi không lành mạnh ấy được trấn áp bằng hình phạt tiền cho đến tù giam. Thứ hai, hối lộ - cái mà xứ người được xem là hành vi xấu hổ, xấu xa thì xứ ta coi là hành vi tình cảm, biết điều, để lấy chỗ đi lại... Thế nên, từ chiếc phong bì lo lót cho ông bác sĩ, cô y tá vẫn vui lòng nhận ngay sau khi đỡ đẻ - em bé mới chào đời đã đắng đót chuyện phong bao. Vậy, chuyện mua hàng trăm tấn hàng, thiết bị y tế, nhận hối lộ hàng triệu đôla của những quan tham trong ngành y tế không có gì là không thể?

Cổng quan đồ sộ, bảo vệ lớp ngoài, vòng trong – một khái niệm trách nhiệm trước nhân dân ấy có vẻ còn khá mơ hồ ở xứ ta. “Thu liêm, đông tàng” (mùa thu gói lại, mùa đông cất giữ) có vẻ cứ tiệm tiến dềnh dàng với những thói quen rất riêng của nó... Mặc cho ngoài cánh cổng công đường, dân chúng đang khẩn thiết yêu cầu điều tra, xử lý, minh bạch, công khai.