Dân Việt

Thế nào mới được coi là thuốc gia truyền?

Diệu Linh (thực hiện) 25/11/2014 07:19 GMT+7
NTNN vừa có loạt bài phản ánh: “Thuốc tốt bỏ phí, thuốc nhảm tung hoành” (NTNN số 266-268). Liên quan tới vấn đề này, Bộ Y tế cho biết đang xây dựng dự thảo thông tư mới hướng dẫn cấp giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền nhằm chuẩn hóa lĩnh vực này.

Trả lời phỏng vấn của NTNN, ông Nguyễn Huy Quang (ảnh) Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), cho biết, thông tư mới ra đời sẽ giúp những người có bài thuốc gia truyền (thầy lang) dễ dàng xin giấy chứng nhận bài thuốc, đồng thời cũng khiến họ có trách nhiệm hơn với sức khỏe của người bệnh.

imgÔng Nguyễn Huy Quang (ảnh) Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế)

 

Ông đánh giá thế nào về chất lượng các bài thuốc gia truyền cũng như đội ngũ các thầy lang hiện nay?

-Từ xưa đến nay, Bộ Y tế luôn đánh giá những bài thuốc dân gian, tồn tại trong cộng đồng có tác dụng lớn, chữa được nhiều bệnh, nguyên liệu lại sẵn có, dễ tìm, giá thành cũng phù hợp với người dân địa phương.

img Nhiều thầy lang có bài thuốc tốt nhưng ngại đi đăng ký. (ảnh minh họa). 

 

Tuy nhiên trên thực tế, không ít trường hợp mạo danh các bài thuốc gia truyền, hoặc công thức đã bị sai lệch, có không ít độc tố, người chế biến lại không hiểu biết, gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe cho người dân. Do truyền đời nên ở các vùng sâu vùng xa, nhiều thầy lang không hiểu gì về cây cỏ mà họ đưa vào thuốc, thậm chí là cây cỏ độc, có tác dụng chữa bệnh ở liều lượng nhất định, nếu dùng quá liều sẽ nguy hiểm, thậm chí họ còn không biết chữ, chỉ tìm cỏ cây theo kinh nghiệm. Họ cũng không nắm chắc về các chỉ định và chống chỉ định nên không hướng dẫn người bệnh, dẫn đến các trường hợp bị biến chứng khi dùng thuốc. Không có giấy chứng nhận, người dân không biết phân biệt đâu là lang thật, đâu là lang giả, dẫn đến mua thuốc lung tung. Để bảo vệ các bài thuốc gia truyền quý, hạn chế các trường hợp rởm, mạo danh, năm 2007 Bộ Y tế đã ban hành quy chế xét duyệt cấp “giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền”.

Một bài thuốc gia truyền phải đạt những tiêu chí nào theo quy định của Bộ Y tế, thưa ông?

Quan điểm

TS Phạm Duệ • Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai)
 Thời gian qua, có rất nhiều lang băm dùng thuốc cam có nồng độ chì cao cho trẻ uống. Để dẹp các lang băm, Bộ Y tế cần chỉ đạo cơ sở kiểm tra sát sao và có các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn những thầy lang bán thuốc không có giấy phép và khẩn trương cấp phép cho các bài thuốc tốt để tránh thật giả lẫn lộn”. 
- Theo quy định của Bộ, bài thuốc dân gian là bài thuốc kinh nghiệm lâu đời của dòng tộc, gia đình truyền lại, có hiệu quả điều trị với một bệnh nhất được, được Hội Đông y và y tế xã/phường sở tại và sở y tế công nhận. Để được Sở Y tế công nhận, thầy lang phải làm đơn, có giấy xác nhận của của y tế cơ sở. Quan trọng nhất là phải có bài giải trình về bài thuốc, trong đó ghi rõ: Xuất xứ, công thức (ghi rõ từng vị, liều lượng), cách bào chế, cách gia giảm, dạng thuốc, cách dùng, đường dùng, liều dùng, chỉ định và chống chỉ định. Ngoài ra, thầy lang phải trình được sổ theo dõi người bệnh (ghi tên, tuổi, địa chỉ, chẩn đoán, thời gian và kết quả điều trị). Danh sách bệnh nhân phải tối thiểu từ 100 người trở lên.

 

Không chỉ người có bài thuốc gia truyền mà cả chính quyền địa phương cũng cho rằng thủ tục hồ sơ yêu cầu thầy lang phải có danh sách 100 bệnh nhân trở lên, ghi rõ thành phần của thuốc là rất khó?

- Quy định của Bộ Y tế yêu cầu ghi rõ “công thức” bao gồm cây gì, lá gì, chất gia giảm là gì chứ không cần phân tích thành phần hóa học của cây cỏ đó. Nếu là thuốc gia truyền đương nhiên thầy lang phải nắm rõ công thức của thuốc nên liệt kê là không khó. Còn vấn đề phải có danh sách ghi chép về 100 bệnh nhân trở lên đúng là khó thực hiện với các thầy lang. Vì họ thường bán thuốc theo yêu cầu, với một công thức nên nhiều người không chẩn bệnh mà chỉ bán thuốc khi có người hỏi. Đây chính là điểm mấu chốt gây tranh cãi trong quy định này.

Vậy trong dự thảo lần thứ tư mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến có những điểm nào để khắc phục khó khăn cho các thầy lang hiện nay?

Quan điểm

Ông Phạm Vũ Khánh • Vụ trưởng Vụ Y học cổ truyền (Bộ Y tế)
 Các bài thuốc gia truyền rất đáng quý, có ý nghĩa thiết thực trong đời sống người dân, rất cần được tập hợp, bảo vệ để tránh thất thoát. Tuy nhiên, hiện nay cũng có không ít bài thuốc giả mạo hoặc do trình độ của các thầy lang kém, pha chế thuốc không đúng với công thức gia truyền gốc, gây hại có sức khỏe người dân. Chúng tôi sẽ lấy ý kiến rộng rãi của các nhà chuyên môn và sẽ ban hành thông tư quản lý vấn đề này trong thời gian sớm nhất, nhằm chấn chỉnh những vấn đề tồn tại của các thầy lang hiện nay”. 
- Điểm mới đầu tiên là Bộ không chỉ cấp giấy chứng nhận cho bài thuốc gia truyền mà cả phương pháp chữa bệnh gia truyền. Vì nhiều thầy lang không chỉ bán thuốc mà còn chẩn mạch, khám bệnh cho bệnh nhân, do đó phải quy định rõ thế nào là phương pháp chữa bệnh gia truyền, nhằm tạo ranh giới ngăn chặn các thày lang không có chứng chỉ hành nghề lương y, “vượt rào” khám chữa bệnh ngoài phạm vi gia truyền của gia đình.

 

Ngoài ra, dự thảo cũng bỏ quy định cần có sổ ghi chép và danh sách ít nhất 100 bệnh nhân để tạo điều kiện cho thầy lang dễ dàng xin cấp phép cho bài thuốc, phương pháp chữa bệnh gia truyền hơn. Tuy nhiên, trong dự thảo lại quy định rõ: “Bài thuốc chữa bệnh gia truyền, phương pháp chữa bệnh gia truyền kinh nghiệm của dòng tộc, gia đình để lại đến người đề nghị ít nhất 3 đời liên tục”. Lý do quy định cụ thể “3 đời” là vì với thời gian tồn tại, gia truyền lâu đời như vậy thì đương nhiên bài thuốc đã có tiếng, có uy tín và có số bệnh nhân không ít.

Vậy, quy định nào đảm bảo được chất lượng của bài thuốc?

-Dự thảo vẫn giữ nguyên quy định về liệt kê xuất xứ, công thức, cách bào chế, cách gia giảm, dạng thuốc, cách dùng, đường dùng, liều dùng, chỉ định và chống chỉ định. Đối với quy định về phương pháp chữa bệnh gia truyền thì thầy lang phải ghi rõ “tên phương pháp, kỹ thuật (thao tác thực hiện), chỉ định, chống chỉ định. Cả quy định về bài thuốc và phương pháp khám bệnh gia truyền đều phải cho biết “tác dụng không mong muốn (nếu có), xử lý khi tác dụng không mong muốn xảy ra”. Công thức chính là chìa khóa để Hội đồng chuyên môn (bao gồm nhiều nhiều lương y có uy tín, có chuyên môn) xem xét để khẳng định bài thuốc có giá trị, có hiệu quả chữa bệnh, có an toàn với người bệnh hay không. Còn yêu cầu thầy lang phải nắm rõ tác dụng không mong muốn (nếu có) và cách xử lý khi có tai biến xảy ra là để các thầy lang có trách nhiệm hơn, phải hiểu về bài thuốc cũng như biết xử lý cấp cứu cho bệnh nhân (hoặc hướng dẫn người dân đi khám bệnh) nếu có tác dụng phụ.

Nhiều thầy lang sợ rằng rằng nếu ghi rõ công thức làm bài thuốc gia truyền bị lộ, nhiều người sẽ bắt chước, làm giả. Vậy Bộ Y tế có thể đảm bảo giữ bí mật các bài thuốc?

-Thực ra công thức của nhiều bài thuốc gia truyền không có gì là bí mật, người ta có thể mua thuốc rồi về phân tích thành phần là biết hết. Bí mật nằm ở phương pháp chế biến, liều lượng gia giảm, cách đun, cách giữ lửa... để cho ra chất lượng thuốc tốt nhất. Điều này chỉ có truyền đời và làm nhiều mới có thể đạt được. Cả phương pháp khám chữa bệnh gia truyền cũng vậy. Do đó, các thầy lang cần phải tin tưởng rằng bài thuốc cũng như cách chữa bệnh của mình khó có thể bắt chước nếu chỉ nhìn công thức. Giấy chứng nhận bài thuốc sẽ giúp các thầy lang đăng ký bản quyền khiến người khác không thể ăn cắp được, đồng thời càng làm tăng uy tín của bài thuốc, giúp người dân tìm đến địa chỉ khám bệnh, mua thuốc tin cậy.

Xin cảm ơn ông!