Tóm gọn lại có hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên căn cứ vào bút tích trong sổ hộ tịch của người dân thường trú tại xóm 6, xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An), trong đó có gia đình Công Phượng ghi rõ Công Phượng sinh ngày 21.1.1993 và “khai sinh lại 1995”. Bên kia là cha mẹ, bản thân Công Phượng, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL cùng các chuyên gia, cộng sự ở Học viện HAGL-Arsenal JMG khẳng định không hề có chuyện gian lận, và Phượng đích thực sinh ngày 21.1.1995. Những số liệu trong giấy khai sinh, chứng minh thư, hộ chiếu, sổ hộ khẩu, lý lịch trích ngang của Công Phượng ở Học viện cũng khẳng định rõ Phượng sinh ngày 21.1.1995.
Công Phượng trong màu áo tuyển U.19 Việt Nam. Ảnh: I.T
Như vậy, vẫn không có đủ cơ sở về chuyện Công Phượng gian lận tuổi. Vấn đề đặt ra là, câu chuyện Phượng có hay không gian lận tuổi có thực sự quan trọng và cần thiết phải làm rõ đúng vào thời điểm này hay không? Như một cách trả lời câu hỏi này, trao đổi với NTNN sáng qua (9.11), chuyên gia Nguyễn Văn Vinh - người trực tiếp tham gia quá trình tuyển chọn lứa đầu tiên cho Học viện HAGL-Arsenal JMG, trong đó có Công Phượng bày tỏ quan điểm: “Với những người có tâm thì nên xem những gì U19 đã làm được trong thời gian qua. Các khán đài cả nước đã sôi động, cuồng nhiệt như thế nào khi các em xuất hiện. Vậy thôi!”.
Ông Vinh có cái lý của mình khi câu chuyện gian lận nói trên không chỉ của riêng Công Phượng mà của cả lứa U19 hiện nay nói riêng và Học viện Bóng đá HAGL-Arsenal nói chung mang theo rất nhiều kỳ vọng của người hâm mộ. Và rõ ràng, nghi vấn gian lận tuổi được đặt ra lúc này đối với Công Phượng thật nguy hại đối với cái chung. Nó làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng tới niềm tin của các cổ động viên đối với bóng đá nước nhà vốn đang dần được khơi dậy lại.
Và sẽ thật đau đớn nếu chỉ vì nghi vấn gian lận tuổi của Công Phượng được đặt ra không đúng lúc mà các khán đài sân Mỹ Đình bỗng thưa thớt khán giả khi đội tuyển Việt Nam bước vào hành trình chinh phục AFF Cup 2014 tới đây.