Trao đổi với chúng tôi về lý do mở lớp dệt, may thổ cẩm này, bà Siu H Bia - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết: Tổ dệt thổ cẩm xã Đăk Nông được thành lập trên cơ sở được Trung ương Hội LHPN Việt Nam hỗ trợ kinh phí. Để giúp tổ dệt hoạt động, Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh ngoài việc hỗ trợ về kinh phí, tập huấn, học cắt may, Hội cũng đã làm việc với UBND xã Đăk Nông và Trung tâm Thương mại khu cửa khẩu quốc tế Bờ Y để khi có sản phẩm sẽ giới thiệu. Theo đó, Hội vận động cha mẹ phụ huynh học sinh nên may đồng phục cho học sinh bằng vải thổ cẩm để các em mặc vào buổi sáng thứ 2 chào cờ hàng tuần. Ngoài ra, các thành viên trong tổ cũng đến các vùng lân cận như Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Tô để giới thiệu sản phẩm… Dẫu đã nỗ lực hết sức nhưng vẫn “không ăn thua” vì không tính tới yếu tố giá cả. Sản phẩm thổ cẩm dệt mất nhiều thời gian nhưng chất liệu không đẹp, chị em may không có tay nghề thạo nên sản phẩm thành phẩm đến nay sản phẩm không “hút” khách. Thổ cẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, giá bán không cao nên bà con bỏ nghề. Đây là điều “nằm ngoài dự đoán” của cơ quan triển khai dự án.
Chị Y Tứ bổ sung, để làm ra một tấm vải dệt bằng thổ cẩm dài 1m, rộng 50cm, một thợ thạo nghề phải mất 7 ngày công, giá bán sản phẩm là 300.000 - 500.000 đồng/tấm. Nếu từ nguyên liệu thì thu nhập trung bình của một lao động là 35.000 đồng/người/ngày. Ngồi cả ngày mà thu nhập "bèo" như thế nên hầu hết phụ nữ bỏ đi làm thuê, một ngày cũng kiếm được 120.000 đồng.
Thực tế, theo khảo sát của NTNN, tâm tư của các tổ viên nghề may ở đây đều muốn giữ nghề. Chị Y Tứ - tổ viên tổ dệt thổ cẩm xã Đăk Nông bộc bạch: “Được cấp máy may chị em phụ nữ trong xã ưng cái bụng lắm vì vừa duy trì được nghề dệt thổ cẩm truyền thống, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho chị em phụ nữ khi rảnh rỗi. Giờ chỉ mong có người hướng dẫn làm đồ có giá trị hơn, có thu nhập cao hơn để chúng tôi có thể giữ nghề”.
Thiết nghĩ việc dạy nghề dệt thổ cẩm, may thổ cẩm là cần thiết để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng một việc làm có ý nghĩa nhằm phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Chính vì vậy, cả đơn vị dạy nghề lẫn người làm nghề cần tích cực tìm kiếm những giải pháp để làm được sản phẩm chất lượng, có giá trị cao, để từng bước đưa hoạt động của tổ dệt đi vào nền nếp, tạo ra những sản phẩm mang tính thương hiệu để bán ra thị trường, góp phần giúp chị em phụ nữ vừa tham gia sinh hoạt vừa có điều kiện phát triển kinh tế cũng như lưu giữ nét bản sắc văn hóa của dân tộc mình.