Dân Việt

“Phim người lớn” trên VTV2: Làm sao để không dung tục?

10/11/2014 11:44 GMT+7
Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và PGS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn đã chia sẻ với PV những ý kiến xung quanh vấn đề VTV2 mở giờ chiếu phim 18+.
Đạo diễn Nhuệ Giang: Phải cởi bỏ suy nghĩ cố hữu về phim truyền hình

Tôi thấy tôn chỉ mục đích của VTV về việc trình chiếu phim gắn mác 18+ trên sóng truyền hình là rõ ràng và thiết thực. Với một khung giờ như vậy cũng khá hợp lý bởi sẽ hạn chế được đối tượng xem phim.

Tuy nhiên, điều tôi muốn nói ở đây là tôi đánh giá cao ý tưởng này. Đây được xem là một bước đi mới mẻ cho thể loại phim chiếu trên truyền hình. Bởi rõ ràng mục đích ở đây là giáo dục giới tính.

Thời điểm chúng ta đang sống là thời đại mở cửa, những quan niệm cũng cần cởi mở hơn và cũng là lúc nghệ thuật cần phải đi sâu, đi sát hơn vào đời sống của con người.


img

Đạo diễn Phạm Nhuệ Giang

Việc chiếu những bộ phim 18+ trên sóng truyền hình, tôi thấy ở các nước có nền điện ảnh phát triển khác họ đã làm từ lâu rồi. Điều cơ bản là làm sao để phim 18+ không trở thành dung tục. Tôi đã từng xem phim “Người đàn bà cuồng dâm”, bộ phim này rõ ràng có rất nhiều cảnh “nóng”. Nhưng không chỉ tôi mà nhiều chuyên gia về điện ảnh đều thừa nhận đó là một bộ phim rất nghệ thuật, để lại cho người xem những ấn tượng sâu đậm, tính giáo dục chiến thắng sự dung tục.

Trong mỗi tác phẩm nghệ thuật có sử dụng cảnh nóng thì ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục, khiêu dâm là rất mong manh. Vậy nên, cái mà tôi cần khi nhà đài thực hiện ý tưởng này là để khán giả thưởng thức được chất nghệ thuật trong bộ phim đó.

Còn lại, những lo sợ về hệ lụy do dòng phim này gây ra đối với đối tượng xem phim thì trước đây chúng ta đã có những suy nghĩ cố hữu rằng, nó không được chiếu trên truyền hình. Nhưng thực tế là có rất nhiều những sai lầm trước đây mà người lớn mắc phải khi che đậy “chuyện khó nói”, đó là làm nảy sinh tính tò mò của các em nhỏ. Từ tò mò, các em ham khám phá bằng cách chỉ sau một cái clik chuột là các em có thể tiếp cận với mọi thứ… Rồi từ đó phát sinh những sai lầm, những rủi ro không đáng có.

img

"Chuyện ấy là chuyện nhỏ" đã có tràn lan trên các trang web xem phim

Và cũng chính tư tưởng cố hữu này đã hạn chế tính sáng tạo của các nhà làm phim… Vậy nên, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận đúng đắn về vấn đề này, cần giáo dục một cách nghiêm túc về giới tính. Và tôi kỳ vọng rằng nghệ thuật thứ 7 làm được điều đó.

Thêm nữa, trên cơ sở hạn chế đội tượng xem phim thì tôi nghĩ rằng VTV nên nghĩ đến việc xem phim thì phải… trả tiền; là trả một mức cước phí nhất định chẳng hạn. Hoặc khâu kiểm duyệt, lựa chọn phim sao cho hợp lý chứ không vì một lý do nào mà phải cắt gọt phim quá tay. Tôi mong rằng ý tưởng này sẽ có đóng góp thiết thực tới vấn đề giáo dục giới tính mà trước đây vẫn bị né tránh!

PGS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn: Một vấn đề nhân văn

Tôi nghĩ việc làm của VTV là vấn đề xã hội rất mang tính nhân văn. Vì đó là biện pháp hướng đến con người. Con người có thể lựa chọn phương tiện và hình thức giải trí của mình. Con người luôn có nhu cầu giải trí, nhu cầu khám phá chính mình, tìm hiểu về người khác cũng như về vấn đề giới tính và tình dục là chuyện nên làm. Hình thức giáo dục giới tính song song với giải trí là cần thiết, tại sao lại không làm!?

img

PGS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Và đương nhiên, vấn đề còn lại là cách làm và kiểu làm cũng như việc đánh giá hiệu quả sao cho thật sát sao. Còn vấn đề nhiều người băn khoăn đó là khó có thể kiểm soát được đối tượng xem. Tôi nghĩ chỉ cần rõ ràng về thao tác có phân khúc đối tượng xem, có chỉ báo rõ ràng, có ranh giới khuyên và cấm thì mọi thứ an toàn trong tương đối. Còn nếu đã không thể kiểm soát mình thì truyền hình quốc gia khác gì so với internet? Việc quy định kênh và giờ chiếu là điều hết sức quan trọng.

Vấn đề còn lại là sự lựa chọn và bản lĩnh của mỗi người trước thông tin chính thống. Điều đó thể hiện tính cốt lõi của sự hiểu biết, của văn hóa, tạo nên bản lĩnh đích thực.