Vừa đến Nha Trang sau chuyến xe đò đêm từ TP.HCM, anh Nguyễn Bá Khanh (xóm Văn Đồng, xã Hiển Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) là anh trai của nạn nhân Nguyễn Bá Kha (thợ máy tàu Phúc Xuân 68, đang mất tích) đã đôn đáo đăng ký để đi theo tàu Biên Phòng ra hiện trường.
“Trước đây tôi vốn là thủy thủ của tàu Phúc Xuân 68, nay đã lên bờ làm việc khác. Hôm qua, có một người bạn là thủy thủ trên một con tàu đi qua vùng biển này gọi điện báo tin là tàu Phúc Xuân 68 đã chìm. Tôi liền bắt xe từ TP.HCM ra Nha Trang ngay. Em trai tôi mới làm thợ máy trên tàu này hơn 1 năm nay. Nghe qua tình hình và thông tin trên báo chí, tôi và gia đình nhận định tình hình có thể là rất xấu đối với em Kha. Cơ quan chức năng nói vùng biển tàu chìm sâu quá, không thể lặn tìm kiếm, nhưng là thân nhân, chúng tôi làm sao chịu nổi khi biết em mình đang phải nằm dưới biển mà chúng tôi chỉ có thể chờ, không làm gì được để đưa em về với quê nhà, với gia đình. Cứ như thế này thì làm sao mà chịu nổi…”, anh Khanh rưng rưng.
Anh Nguyễn Đức Loan, em trai anh Nguyễn Đức Khoa (thuyền trưởng tàu Phúc Xuân 68) cũng vừa từ Bình Thuận vào đến Nha Trang sáng 10.9. Mắt đỏ hoe sau một đêm thức trắng, anh Loan cho biết: 4 người nhà đã có mặt tại Nha Trang, trưa nay 4 người nữa từ Thanh Hóa sẽ vào Nha Trang để tham gia tìm kiếm vị thuyền trưởng xấu số. “Sau khi người nhà vào đến nơi, chúng tôi sẽ bàn phương án tìm kiếm độc lập. Cơ quan chức năng nói không thể lặn tìm, chúng tôi không cam lòng. Chúng tôi đang liên hệ tìm cho ra thợ lặn và tự thuê tàu đi tìm thân nhân. Tôi tin là chủ tàu Phúc Xuân 68 (Công ty TNHH Vận tải biển Hoàng Hải – Thái Bình) sẽ đáp ứng nhu cầu tìm kiếm người thân của chúng tôi” – anh Loan nói.
Ông Bùi Hồng Phong – đại diện Công ty Vận tải biển Hoàng Hải cho biết, công ty đã liên hệ với Bộ đội Biên phòng Khánh Hòa để đưa một số thân nhân nạn nhân đi tìm kiếm ven bờ. Về việc tìm kiếm thợ lặn để tìm kiếm nạn nhân, ông Phong cho biết không phản đối kế hoạch này của thân nhân nhưng phải chờ sự đồng ý của cơ quan chức năng. “Làm gì cũng theo quy định về an toàn lao động của pháp luật để tránh những rủi ro, tai nạn có thể xảy ra” – ông Phong nói.
Trong ngày 10.11, lực lương tìm kiếm cứu nạn thuộc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam vẫn huy động tổng cộng 5 tàu ra hiện trường. Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa cũng huy động 2 tàu lớn, 11 tàu nhỏ tham gia tìm kiếm nạn nhân. Tỉnh Khánh Hòa đã thông báo cho tất cả các tàu thuyền trên biển, chính quyền địa phương và người dân làng, xã ven biển chú ý quan sát, thông báo, cứu hộ nếu thấy bất cứ dấu hiệu nào từ người bị nạn.