Đó là thực tế đáng buồn mà thầy Trần Đình Trợ, giáo viên dạy Toán trường THPT Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã chia sẻ liên quan đến một khảo sát về kỹ năng sống mà thầy vừa tiến hành.
Thầy giáo Trần Đình Trợ. |
Trích dẫn nội dung cuộc điều tra của thầy:
“Mình thử làm một điều tra "xã hội học" nhỏ về học sinh một lớp chọn 12 của trường mình:
1. Có 45/45 em đi học bằng xe đạp. Trong đó: Có 3 em phân biệt được líp và đĩa, có 10 em phân biệt được săm và lốp. Và không có em nào biết sửa xe.
2. Có 41/45 em, thường đi qua sông suối. Trong đó, chỉ có 4 em biết bơi, kiểu bơi "chó ngoi nác lụt" (Chó ngoi nước lụt). Số còn lại, chỉ biết lặn, kiểu lặn "xuống nước, ba ngày sau mới nổi".
3. Có 45/45 em thường xuyên ăn cơm. Trong đó chỉ có 15 em biết nấu cơm, nhưng trong 15 em biết nấu thì chỉ có 5 em thường xuyên nấu cơm cho gia đình. Có 17/45 em thỉnh thoảng có rửa bát.
4. Có 45/45 em nhớ sinh nhật của 3 người bạn thân trở lên. Trong đó, chỉ có 4 em là nhớ ngày sinh của bố mẹ mình.
5. Có 45/45 em đọc sách, (nhưng là đọc các sách giáo khoa). Trong đó có 5 em có đọc sách truyện, nhưng lại bị bố mẹ cấm đoán, phải đọc lén. Có 2 em đã đăng kí mượn sách thường xuyên tại tủ sách miễn phí của thầy Trợ, nhưng sau khi bị bố mẹ phát hiện, lại xin thôi.
6. Có 45/45 em thường xuyên đi học thêm. Có 45/45 em có khả năng vào ĐH và 45/45 em mong muốn trở thành cán bộ nhà nước.
Chắc các em sẽ toại nguyện”.
Sau khi nội dung của khảo sát thú vị này được đăng tải trên trang cá nhân Facebook của thầy Trợ, chỉ sau vài giờ đồng hồ đã có rất nhiều người ủng hộ và chia sẻ về những con số đáng buồn đó.
Thầy Trợ cho biết, điều tra trên cho một kết quả không bất ngờ với bản thân thầy nhưng lại rất trớ trêu. “Quả thật là trớ trêu khi sau khi học xong phổ thông và ĐH, các em sẽ phải lăn lộn kiếm sống bằng chính những kỹ năng mà mình đã khinh thường và bỏ qua khi đang ngồi trên ghế nhà trường”, thầy Trợ chia sẻ.
Bàn về câu chuyện kĩ năng sống, thầy Trợ cho biết, học sinh thời trước, thường xuyên tham gia lao động kiếm sống với gia đình. Học sinh ít phải học thêm, cùng đó các trò chơi điện tử, vô tuyến, internet chưa có, nên ngoài lao động giúp bố mẹ thì các em còn thời gian cho các trò chơi bổ ích, lành mạnh khác.
Nhưng ngày nay, điều kiện kinh tế tốt hơn, phụ huynh có một ước mơ là các con học để thoát li lao động sản xuất. Vì vậy, gần như họ không cho con mình động tay động chân tới bất cứ việc gì.
Và khi mà các địa điểm như sân bóng, ao hồ, bãi cỏ để các em vui chơi dần bị thu hẹp, thì các nhà hàng, quán nét, hay thậm chí là nhà nghỉ lại trở thành nơi lui tới của nhiều học sinh.
Trong khi đó, các thầy cô và nhà trường chạy theo bệnh thành tích và vì vụ lợi muốn có tiền dạy thêm nên tìm mọi cách nhồi kiến thức cho học sinh. Điều này đã “cướp” mất gần như toàn bộ thời gian vui chơi, thời gian sống với xã hội, sống với gia đình của các em.
Nền giáo dục lại chạy theo nhu cầu giả tạo của dân (học để thoát ly lao động) bằng cách mở thêm các trường CĐ và ĐH đào tạo nhiều cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ,… mà không có công việc cho họ sau khi ra trường, sẽ dẫn đến cảnh thất nghiệp tràn lan.
Theo thầy Trợ, chính nạn thất nghiệp này đã làm lộ rõ một điểm yếu căn bản của học sinh: “Đó là kĩ năng sống quá kém. Trước đây, tốt nghiệp ĐH xong là có việc làm, thì sự yếu kém về kĩ năng sống còn ít bộc lộ. Ngày nay, tốt nghiệp ĐH xong, khi bị ném vào cuộc sống mới thấy sự "lơ ngơ như bò đội nón” của rất nhiều các cậu ấm cô chiêu”.
Thầy Trợ chia sẻ: “Tôi muốn nhắn gửi tới học sinh, phụ huynh (cấm con đọc sách truyện, cấm làm việc tay chân… để học) nhưng đặc biệt là gửi đến các nhà hoạch định chính sách giáo dục một thông điệp: Nền giáo dục của ta đang lạc lối rất xa rồi”.