Theo thông lệ, kể cả thông lệ quốc tế, việc tính tuổi của các VĐV nói chung và của các cầu thủ nói riêng đều dựa trên giấy tờ, tức là giấy khai sinh, hộ khẩu, hộ chiếu… Thế nên, một khi các giấy tờ đang chứng minh được rằng Công Phượng sinh ngày 21.1.1995, thì có lẽ chúng ta đành… tin vậy!
Ở đây phía CLB HAGL không có lỗi. Khi tuyển quân, họ làm đúng chức năng và đúng quyền hạn của mình là nhìn vào giấy tờ gốc, rồi tính tuổi của cầu thủ ấy. Riêng giấy tờ gốc có phản ánh tuổi thật của người được tuyển hay không, bản thân HAGL không có chức năng giải trình.
Chúng ta cũng không lạ khi ở các giải đấu trẻ, kể cả cấp độ thế giới, các đội bóng châu Phi và các đội bóng vùng Trung Đông thường rất thành công. Ví như các đội bóng châu Phi thường vô địch giải U17 thế giới, nhưng đến khi trưởng thành thì lứa U17 đấy của các nước châu Phi thành danh không mấy người.
Có những xứ thiếu văn minh, chuyện sinh con ra vài ba năm mới làm giấy khai sinh là chuyện… thường. Thành ra, ở các giải trẻ, chuyện một vài hay nhiều cầu thủ châu Phi lớn tuổi hơn cầu thủ ở các khu vực khác là chuyện không hiếm, và FIFA lỡ có biết cũng chẳng làm gì được, vì họ cũng chỉ căn cứ theo giấy tờ.
Đấy cũng chính là lý do mà ở tầm cỡ thế giới, chẳng có quốc gia nào lại đặt niềm tin của cả nền bóng đá lên vai các cầu thủ trẻ. Thường thì ở cấp độ đội tuyển, ngoại trừ đội tuyển quốc gia, đội tuyển Olympic (tức U23) mới được quan tâm nhiều, bởi ở lứa tuổi ấy, muốn ăn gian tuổi cũng vô ích.
Riêng câu chuyện của Công Phượng, nói như bầu Đức, cầu thủ này bị chú ý nhiều vì bỗng dưng anh quá nổi tiếng. Nhiều người đặt kỳ vọng gần như phi lý vào Công Phượng và các đồng đội, cứ như thể họ là cứu tinh cho cả nền bóng đá.
Kỳ thực, họ mới đá hay ở các giải trẻ tầm khu vực. Còn muốn biết họ hay thật hay không, thì còn phải chờ vài năm nữa, khi họ tham gia các giải đấu không kể tuổi. Đến lúc đó, Công Phượng sinh năm 1993 hay 1995 có khi cũng chẳng còn quan trọng, quan trọng là anh đá hay hay dở?
Căn bệnh của cả nền bóng đá
Như đã nói ở trên, ở những nơi thiếu văn minh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, chuyện một cậu bé sinh ra vài năm rồi mới được làm giấy khai sinh là chuyện… thường. Trong bóng đá Việt Nam chuyện này cũng không phải là chuyện hiếm.
Thậm chí có những nghi án cầu thủ có tuổi trong giấy tờ khác xa tuổi thật, nhưng người biết rồi cũng để đó, chứ giấy tờ hợp lệ thì coi như hợp lệ.
Ví như trường hợp của Phan Thanh Bình, cầu thủ này đá đến 4 kỳ SEA Games (2003, 2005, 2007, 2009). Nghĩa là Phan Thanh Bình đá kỳ SEA Games đầu tiên lúc mới 17 tuổi, trên… giấy tờ. Rồi Thanh Bình cũng chỉ đá được ở độ tuổi… U, chứ chưa hề tỏa sáng ở các giải đấu không kể tuổi. Cách nay vài năm, Thanh Bình đã xuống phong độ trầm trọng như thể đã ba mấy tuổi, dù vẫn trên giấy tờ, anh mới… 28 tuổi (sinh 1986).
Hồi giải U16 châu Á năm 2000 ở Đà Nẵng, có quan chức của thể thao Việt Nam sau trận thua Oman ở giải đấu ấy đã rất tức giận, đòi kiện Oman, vì nhìn vào thể hình lực lưỡng của dàn cầu thủ đội này, có thể đoán là họ hơn 16 tuổi.
Nhưng sau đó, ý điện kiện tụng này bị rút lại trong âm thầm, vì chính quan chức nọ được người nhà “bỏ nhỏ” là cầu thủ của ta cũng chẳng đúng tuổi thật. Nếu làm căng, có thể đối thủ lộ mà chúng ta cũng… lộ. Trong đó, nghi án Phạm Văn Quyến lớn hơn tuổi trên giấy tờ 2 tuổi cho đến giờ vẫn chỉ là nghi án.
Ở Việt Nam còn có cả một công nghệ “ăn gian” giấy khai sinh để tạo ra thần đồng ở các giải nhi đồng, như Phan Thiều Quang được đổi tên Lê Minh Hoàng nổi tiếng một thời ở đội nhi đồng Khánh Hòa, hay Minh Thành được biến thành Thế Vọng ở đội nhi đồng Gia Lai.
Những cầu thủ đấy sau này đâu có phát triển được, bị phát hiện rồi mất hút. Nhưng đấy là trường hợp gian lận giấy tờ, còn trong trường hợp giấy tờ hợp lệ, thì tuổi vẫn cứ phải căn cứ theo giấy tờ. Riêng chuyện sau này có tỏa sáng được hay không lại là một câu chuyện khác!