Tỷ lệ hộ nghèo còn cao
“Tuy thời gian qua, công tác giảm nghèo được địa phương tích cực triển khai và mang lại một số kết quả thiết thực nhưng chưa thật sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh còn ở mức cao (chiếm 36,23%), số hộ tái nghèo còn cao. Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo đã thoát nghèo nhưng nằm sát chuẩn nghèo khoảng 70 - 80%. Hiện toàn tỉnh còn 144 ấp đặc biệt khó khăn” - ông Ngô Chí Cường – Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh thông tin. Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do phần lớn đồng bào Khmer nghèo ở Trà Vinh thiếu đất và vốn sản xuất, chủ yếu là đi làm thuê kiếm sống, thu nhập không cao, khả năng tích lũy đầu tư hạn chế. Hơn nữa trình độ dân trí của người dân còn thấp nên gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng khoa học vào sản xuất.
Ông Sơn Minh Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho biết: “Đại bộ phận đồng bào Khmer làm nghề nông, trong khi diện tích đất sản xuất ít, lại manh mún, hộ không có đất sản xuất cũng còn rất nhiều (trên 1.400). Hơn nữa, việc sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, do rủi ro thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản thường không ổn định...”.
Kiến nghị nhiều giải pháp
Theo Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, báo cáo từ 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long - nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống cho thấy: Số hộ nghèo trong đồng bào Khmer chiếm tỷ lệ 32,64%. Trong đó, Trà Vinh có 20.445 hộ Khmer nghèo, có 1.827 hộ không có đất ở, có 13.593 hộ không có nhà ở, phải ở chung, ở nhờ; Sóc Trăng có 26.173 hộ Khmer nghèo; Kiên Giang có một số xã, hộ Khmer nghèo chiếm trên 50% tổng số hộ nghèo toàn xã, 433 hộ chưa có nhà ở, còn 3.169 căn nhà xiêu vẹo, tạm bợ… Tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng, mù chữ, tái mù chữ khá cao. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng bình quân toàn khu vực khoảng trên 30%.
Ông Sơn Minh Thắng đề nghị: “T.Ư quan tâm đầu tư cả về nhân lực, tài lực để giúp Sóc Trăng chăm lo cho đồng bào Khmer tốt hơn. Nếu được, cần sớm có chính sách, đề án phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số nói chung và đối với đồng bào Khmer Nam Bộ nói riêng trong thời gian tới nhằm nâng cao toàn diện về thể chất, trí chất, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững”.
Muốn giảm nghèo bền vững vùng đồng bào Khmer, TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh hiến kế: “Cần triển khai những dự án, chương trình xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc Khmer. Ngoài việc đào tạo đội ngũ cán bộ thì việc làm nhất thiết phải được chú trọng là nâng cao nhận thức của người Khmer về vai trò của tri thức, khoa học công nghệ trong cuộc chiến chống đói nghèo...”.