Một vấn đề nóng hổi được bàn tại nghị trường và lan tỏa đến dư luận suốt mấy ngày qua là chuyện “loạn cấp phó”. Bàn chuyện tăng lương cũng không xong vì không có tiền, bàn chuyện xây sân bay cũng không ổn cũng vì thiếu tiền. Nhưng có một loại ngốn tiền ghê gớm, đó là lực lượng cấp phó trong bộ máy công quyền và doanh nghiệp nhà nước.
Không kể đến xây sân bay hay làm đường sắt cao tốc, vì số tiền quá lớn. Nhưng xây cầu, trường học, trạm y tế ở vùng nông thôn, thì chỉ cần giảm cấp phó là dư sức có tiền để xây tất. Cấp phó của Việt Nam, theo đánh giá là thuộc loại dư thừa khá lớn. Dẹp bớt cấp phó sẽ giảm được gánh nặng ngân sách.
Đơn cử như Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, có phòng ban 20 người mà 7 lãnh đạo, trong đó có 6 cấp phó. Nhiều cơ quan số lượng cấp trưởng và phó, tính ra, đôi khi lãnh đạo nhiều hơn nhân viên. Các vị đến uống trà, đọc báo, hoặc đi họp. Chiều gọi điện kêu chiến hữu đi nhậu. Móc ngoặc, tham nhũng, phá hoại cũng từ những kẻ “nhàn cư vi bất thiện”. Lương đâu mà trả cho nổi đám “vác ô uống trà” này.
Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc: “Cấp phó cũng là một chức quyền, từ chức quyền đó trong cơ chế ngày nay rất dễ tạo cơ hội để họ kiếm chác được. Vì thế bổ nhiệm thêm cấp phó cũng là cách ban phát lợi ích cho nhau. Gần đây có hiện tượng quan chức sắp nghỉ hưu thì bỗng ký đề bạt rất nhiều cấp phó. Điều đó cũng phần nào phản ánh hiện thực này”.
Bất công chính là ở chỗ này. Một ông sếp, vì quan hệ, vì tiền tệ, vì hậu duệ, nên xuống tay ký bổ nhiệm cấp phó. Có cấp phó là có cái danh để đi tìm cái lợi. Ban phát, chia chác lợi ích cho nhau chính là chỗ chức tước. Người có chức đi tìm cái lợi, vinh thân phì gia, thế mà dân lại còng lưng để trả thêm tiền cho họ nữa. Quá bất công.
Ai trả tiền cho những người được ưu đãi này, dân. Dân là ai?- là công nhân, nông dân, ngư dân, thương nhân… Hóa ra, dân chịu thua thiệt để nuôi một đám đầy tớ “vác ô và uống trà”. Nhưng như thế cũng cam lòng, cũng chịu nhẫn nhịn. Đằng này, có kẻ không ngồi yên, mà hành dân, nhũng nhiễu dân. Họ coi người trả lương cho họ như đám “thần dân”.
Cho nên, việc tăng lương cho những người được hưởng lương từ ngân sách cần phải tính toán kỹ. Tăng lương cho những người công chính, làm việc có trách nhiệm, có lương tâm là cần thiết. Nhưng biết là còn có 30% công chức cắp ô, biết là còn một lực lượng cấp phó dư thừa mà vẫn tăng lương cho họ là vô lý. Tăng lương như vậy dân ức lắm.