- Theo tôi, cáp treo là phương tiện vận chuyển, để tiếp cận điểm di tích. Còn việc bảo vệ hang Sơn Đoòng là vấn đề bảo tồn giá trị của nó một cách tối đa trước những tác động tiêu cực. Tuy nhiên, giữa việc xây dựng cáp treo và bảo vệ hang Sơn Đoòng có quan hệ với nhau là vì có cáp treo nên lượng người tiếp cận với hang Sơn Đoòng sẽ nhiều hơn. Nhưng đối với bất kỳ một di sản nào cũng đều có tính hai mặt, nếu chúng ta chỉ bảo tồn theo nghĩa cố gắng giữ nguyên vẹn và hạn chế tối đa như hiện nay thì trong một phạm vi nào đó có nghĩa là di sản đang bị thu hẹp lại. Còn nếu chúng ta không quản lý tốt mà cứ để ào ạt, không có giải pháp thì sẽ có tác động ngược lại.
Theo tôi, việc giảm thời gian cũng là một cách bảo tồn nếu ta hiểu theo nghĩa chúng ta tạo được một tuyến vận chuyển ít tác động nhất đến sinh thái của Sơn Đoòng. Đồng thời còn khai thác được tầm nhìn ở trên cao xuống, đó cũng là một giá trị. Tuy nhiên, vấn đề còn lại là phải làm hết sức nghiêm khi phải tính toán rất khoa học, làm thế nào để bảo tồn một cách tốt nhất việc xây dựng tuyến vào thăm; xây dựng giải pháp để quản lý; phải khống chế số người đến theo quy định… Ở đây phải có sự thoả thuận chặt giữa ban quản lý và cơ quan được quyền khai thác.
Ngoài ra, khi xây dựng cáp treo phải chọn tuyến đường hợp lý, ít tác động tới yếu tố cảnh quan; phải có những phương án tối ưu, hạn chế tối đa việc tác động tới hang Sơn Đoòng… Cái quan trọng nhất cũng là cái khó là phải quy định, quản lý rất chặt phần lõi của di sản. Chỉ có cách triển khai nghiêm túc qua tất cả các khâu, trách nhiệm của cơ quan quản lý phải được đề cao… mới có thể giải quyết được vấn đề vừa bảo tồn, vừa phát triển di sản trong giới hạn cho phép. Nếu ta để như tình trạng thuần tuý hiện nay thì có thể bảo tồn được, nhưng không thể khai thác được.
Để hài hòa giữa vấn đề bảo tồn di sản và khai thác, vấn đề quan trọng là công tác quản lý, chứ không phải nằm ở vấn đề xây cáp treo hay không xây cáp treo, thưa ông?
- Điều đó là chắc chắn. Bởi vì chúng ta nhìn tất cả di sản thế giới họ vẫn cho khai thác, nhưng khai thác với điều kiện hết sức chặt chẽ. Đương nhiên, đó là lý thuyết, còn trên thực tế đó là cuộc đấu tranh rất là khó, đòi hỏi sự giám sát cũng như năng lực quản lý của cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan địa phương.
Ví dụ như Yên Tử, nếu không có cáp treo thì cứ tưởng tượng hàng vạn con người đi trên đường mòn truyền thống thì sẽ có bao nhiêu rác thải xả ra, những hàng tùng hai bên đường sẽ như nào với số lượng người đến tham quan đông như vậy; hay những người yếu, người già ra sao? Những vấn đề này cáp treo giải quyết được. Vấn đề ở đây là làm sao có thể quản lý thật tốt thì mới phát huy hiệu quả tối đa.
Trên thực tế, trước đó dư luận cũng băn khoăn về vấn đề cáp treo vì không hình dung được cáp đi qua đâu, có đi qua đầu di tích làm mất đi tính linh thiêng hay không? Đó chính là những áp lực để người ta phải chọn phương án tối đa về bảo tồn chứ không phải phương án tối đa về hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, cần cân nhắc năng lực quản lý để cho phép đầu tư đến đâu, bài toán đó phải hết sức cụ thể khi thực hiện xây dựng cáp treo ở hang Sơn Đoòng nói riêng và cách di sản khác nói chung.
Xin cảm ơn ông!