Đa số các ý kiến đều nhất trí sự cần thiết phải đổi mới chương trình SGK, đáp ứng mục tiêu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.
Các ý kiến tập trung phân tích, chỉ ra những hạn chế của Đề án để Ban soạn thảo hoàn thiện. Đại biểu (ĐB) tỉnh Bình Định Phạm Thị Thu Hồng cho rằng, bên cạnh những mặt được, những hạn chế trong việc triển khai đổi mới chương trình và SGK đang gây ra tâm lý hoang mang trong dư luận thời gian qua. “Tâm lý người dân mỗi lần đổi mới chỉ là sự thay đổi cơ học chứ không phải đổi mới với tính chất kế thừa những cái hay đã áp dụng trong thực tiễn mang tính bền vững, thực hiện đổi mới coi như là một cuộc cải cách. Thế nên có hiện tượng SGK trước đây 10 năm anh-chị sử dụng xong có thể để lại cho em để dùng, nay thì không thể làm vậy” - ĐB Hồng nói.
Cũng theo ĐB Hồng, có vấn đề rất cần quan tâm nhưng trong đề án của Chính phủ chưa thấy đề cập là đổi mới đội ngũ giáo viên. Nếu như Bộ GDĐT xây dựng chương trình chuẩn, bộ SGK đã được thẩm định nhưng không có đội ngũ giáo viên để triển khai thì cũng bằng không. Thế nên trong đề án cũng phải đặt vấn đề đổi mới ngay từ hệ thống giáo viên sư phạm.
ĐB Huỳnh Minh Thiện (TP. HCM) cho rằng, chương trình đổi mới SGK đặt ra là cần nhưng chưa đủ, phải đổi mới cả 3 yếu tố, từ SGK, tiêu chí đánh giá chất lượng, đội ngũ nhà giáo đến hạ tầng cơ sở vật chất. "Tôi không đồng tình với phương án Bộ GDĐT biên soạn SGK. Bộ là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nên tập trung cho quản lý, xây dựng chiến lược giáo dục, ban hành văn bản pháp luật, kiểm tra định hướng. Còn Bộ tham gia biên soạn SGK cũng giống như vừa đá bóng vừa thổi còi là không nên. Bộ soạn phải lấy ngân sách nhà nước mà các trường không dùng thì lãng phí" - ĐB Thiện phân tích. Ông Thiện cũng nói thêm, trong Đề án chưa thấy Bộ GDĐT đánh giá toàn diện bộ SGK hiện hành để từ đó có căn cứ đổi mới hoàn toàn SGK hay chỉ đổi mới một phần. Sẽ là lãng phí nếu làm lại nội dung đã tốt và có giá trị.
ĐB Võ Thị Dung (TP.HCM) thì lập luận, nếu thực hiện đề án này thì tác động xã hội sẽ ra sao vì nó liên quan đến hàng chục triệu học sinh và phụ huynh. Kết quả đổi mới sẽ tác động thế nào với nền giáo dục, với sự phát triển giáo dục của nền giáo dục, chưa thấy Đề án đưa ra dự báo. “Vấn đề kinh phí dư luận rất quan tâm, nhưng tôi thấy dự kiến số tiền bị phát sinh liệu đã chính xác? Chỗ này cần tính toán kỹ để ngân sách đảm bảo, không bị lãng phí” - ĐB Dung đề nghị.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng đề án vẫn đi vào lối mòn, ưu điểm nói trước và nhiều, còn nhược điểm để sau và ít. “Khi đọc Đề án tôi thấy chỉ cần thực hiện được 50% phần ưu điểm thì không cần phải đổi mới” - ĐB Lan đánh giá.