Dân Việt

Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số TP.Hà Nội lần thứ II: Quyết liệt xóa đói nghèo

Lê San 12/11/2014 06:18 GMT+7
Ngày 11.11, 250 đại biểu đại diện cho gần 68.000 đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn TP.Hà Nội đã về dự Đại hội Đại biểu các DTTS thành phố lần thứ II. 

Quyết liệt giảm nghèo

Hiện nay đồng bào DTTS ở thủ đô Hà Nội sống tập trung thành làng bản ở 14 xã thuộc 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, với 37 thành phần dân tộc, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường, Dao. Theo ông Nguyễn Tất Vinh – Trưởng ban Dân tộc TP. Hà Nội, cùng với các chương trình, chính sách của Nhà nước dành riêng cho vùng đồng bào DTTS, Ban Dân tộc TP.Hà Nội đã triển khai Kế hoạch 166 của UBND thành phố về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi thủ đô Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015”. Chính sự tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ cấu hạ tầng, đáp ứng các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đã giúp các địa phương vùng DTTS trên địa bàn thành phố xoá đói giảm nghèo hiệu quả, sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

imgBộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử trò chuyện với các đại biểu dự đại hội.    Lê San

 

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Kế hoạch 166 và các chương trình lồng ghép phát triển kinh tế như: Mở các lớp tập huấn về trồng trọt; hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, trang thiết bị; xây dựng một số mô hình trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản… đời sống đồng ở 14 xã dân tộc - miền núi cơ bản được nâng lên. Cụ thể, ông Nguyễn Thế Nghĩa – Chủ tịch UBND xã An Phú, huyện Mỹ Đức cho biết: Xã có hơn 1.700 hộ, trong đó có hơn 70% là người dân tộc Mường, 6/13 thôn của xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của thành phố, 100% hộ dân đã có điện sinh hoạt, 75% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh.

Năm 2008, xã Yên Trung được chuyển về Hà Nội, nhưng vẫn được xem như là “vùng xa” với 82% dân số là người Mường, bình quân thu nhập chỉ đạt 8 triệu đồng/người/năm. Với sự tập trung đầu tư về cơ sở hạ tầng, phát huy lợi thế sẵn có, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2014, mức thu nhập bình quân của Yên Trung đã đạt 18 triệu đồng/người/năm. Ông Đinh Công Tuân – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Trung cho biết: Đến nay, toàn xã chỉ còn 29 hộ nghèo (chiếm 3,32%), 27 hộ cận nghèo theo tiêu chí mới, 5/7 thôn đạt danh hiệu Làng văn hoá, 97% dân số được dùng nước sạch, đạt 14/19 tiêu chí xây dựng NTM. Đặc biệt Yên Trung đã trở thành hiện tượng ở vùng dân tộc, miền núi với 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia.

Nhân rộng các mô hình tiên tiến

Tại đại hội, nhiều tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế; giữ gìn văn hoá truyền thống đã được vinh danh. Nhờ chịu khó học hỏi và mạnh dạn đầu tư, gia đình anh Trần Danh Nhàn, ở thôn Đá Nhâm, huyện Quốc Oai thu nhập 300 – 400 triệu đồng/năm từ chăn nuôi lợn rừng. Được hưởng thụ vốn kiến thức văn hoá truyền thống khá đầy đủ từ thời bà, mẹ, bà Nguyễn Thị Lâm, dân tộc Mường, ở thôn Gò Đá Chẹ, xã Khánh Thượng đã đóng góp rất lớn vào việc nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống, mang sắc riêng của dân tộc Mường ở Khánh Thượng...

Phát biểu tại đại hội, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử cho rằng mặc dù Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng nhìn tổng thể, khu vực đồng bào DTTS phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, tỷ lệ nghèo và tái nghèo khá cao, chưa có xã nào đạt đủ 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Sự chênh lệch giữa các vùng vẫn còn lớn, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ở một số nơi còn hạn chế. Bộ trưởng đề nghị thành phố tiếp tục thực hiện, rà soát các chính sách dân tộc triển khai trên địa bàn; quyết liệt xoá đói giảm nghèo vùng DTTS; phát huy vai trò của người có uy tín, trưởng thôn, trưởng bản; nhân rộng các mô hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh...

3 tập thể và 9 cá nhân đã được Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Giàng Seo Phử tặng bằng khen; 9 tập thể và 38 cá nhân được UBND thành phố tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình hành động Đại hội Đại biểu DTTS thành phố lần thứ nhất.