Phải nhìn lại chính mình
Tiếp nối thành công từ hai vở kịch “Lời thề thứ 9”, “Mùa hạ cuối cùng” dựng trong các năm 2012, 2013, Nhà hát Tuổi Trẻ tiếp tục phục dựng vở thứ 3 của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ “Ai là thủ phạm”.
Vở kịch được nhà viết kịch Lưu Quang Vũ viết vào năm 1983, với cái tên nguyên gốc là “Không có trong hồ sơ”, sau đó đã được đổi tên “Thủ phạm là ai” và đã có 3 đoàn dựng trước đó bao gồm: Nhà hát Kịch Công an (trước gọi là Đoàn kịch Công an); Đoàn kịch nói Nam Định và Đoàn dân ca Nghệ Tĩnh. Cả 3 đoàn dựng vở kịch này đều đã rất thành công trong thời kỳ đó.
Là người thành công trong vai trò đạo diễn của 2 vở trước và tiếp tục đảm nhận vai trò đạo diễn trong vở kịch thứ 3 của Lưu Quang Vũ, NSƯT Chí Trung cho biết, “Ai là thủ phạm” chỉ được xếp vào loại vở kịch trung bình khá, chứ chưa phải là vở xuất sắc nhất trong 41 vở kịch của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Tuy nhiên khi đọc vở kịch, nghệ sĩ Chí Trung vẫn thấy còn nguyên giá trị của niềm tin, nội dung vẫn mang tính thời sự, vẫn còn nhiều điều để chuyền tải. Thông điệp của vở kịch được đưa ra rằng nếu chúng ta không tự nghĩ về trách nhiệm của mình, trách nhiệm mỗi công dân để không tự răn mình thì cả xã hội sẽ bị trượt đi và mất những giá trị tốt đẹp, lẽ phải và công bằng sẽ không được tôn vinh.
Theo đạo diễn Chí Trung, nếu như mọi người đều nghĩ đơn giản và cách dễ nhất là đẩy câu hỏi “ai là thủ phạm” về cho chính quyền, mà không nghĩ rằng thủ phạm chính là mình thì cả xã hội sẽ khó mà tốt đẹp. Khi mà mỗi người trong cộng đồng không dám dũng cảm đấu tranh, cả những điều mà hàng ngày mọi người vẫn lên án như tệ nạn đưa phong bì, hối lộ cảnh sát giao thông khi phạm luật, chuyện lợi ích nhóm... “Bản thân mọi người đều cho những điều đó là đương nhiên, trong khi những sự việc đuổi bắt cướp, cứu người giữa đường lại không cổ súy và cho đó là hiện tượng lạ. Nên tôi nghĩ mỗi người phải tự nhìn lại chính mình và tự tôn những điều tốt đẹp bằng giá trị của mình đóng góp với xã hội. Đó chính là thông điệp chính của vở kịch mà tôi cùng ê kíp dựng vở kịch muốn gửi tới khán giả” - NSƯT Chí Trung cho hay.
Tri ân với nhà viết kịch
Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện một cậu thanh niên bị giết chết và suốt toàn bộ vở diễn là quá trình tìm nguyên nhân gây ra cái chết, ai là người đâm nạn nhân. Tuy nhiên để làm bật được thông điệp, ý nghĩa của vở kịch và cuốn khán giả vào câu hỏi “Ai là thủ phạm” là điều khó khăn và trăn trở nhất của đạo diễn. “Tôi đã suy nghĩ để làm sao bật ra được thông điệp, để khán giả, đặc biệt khán giả trẻ hiểu và chấp nhận vở kịch. Tôi đã dùng thủ pháp xây dựng cốt lõi vở kịch là sự hài hước, dí dỏm và bao trùm lên sự hài hước đó là chính luận để chuyền tải thông điệp” - NSƯT Chí Trung nói.
Không chỉ đau đầu xây dựng thủ pháp cho vở kịch, đạo diễn còn rất thận trọng khi đã mời cả một đội ngũ êkíp có chuyên môn giỏi tham gia vào vở kịch như: Cây viết kịch bản Đinh Tiến Dũng, họa sĩ Doãn Bằng, nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc… đồng thời vở kịch sẽ dành 4 tháng liên tục dựng vở và luyện tập thay vì chỉ tốn 2 tháng như nhiều vở trước đó.
Nói đến về việc liệu dàn diễn viên trẻ có đủ sức tham gia vở diễn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ không, NSƯT Chí Trung cho biết, khi bắt tay phục dựng vở kịch “Lời thề thứ 9” anh đã tốn công sức rất nhiều cho việc uốn nắn các diễn viên trẻ từng lời, từng chữ, từng hơi thở. Và anh cũng đã chia sẻ rất nhiều với các bạn diễn viên trẻ rằng, để có được một vai diễn lớn, các bạn cần phải chui vào các lốt lớn, phải ở trên sân khấu của chính kịch, nơi đó mới là thước đo tác phẩm của một nhà hát.
Chính vì biết được các diễn viên trẻ còn thiếu sự trải nghiệm, chưa hiểu hết thời kỳ bao cấp và nỗi khốn khó, vất vả của những con người thời kỳ đó, NSƯT Chí Trung đã tổ chức cho cả đoàn xuống mộ viếng nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh. Anh đã kể cho các bạn diễn viên trẻ nghe về một câu chuyện bằng hình ảnh của những năm cuối 1980 và đầu 1990. Câu chuyện đó chính là 2 bộ phim của đạo diễn Trần Văn Thủy, “Chuyện tử tế” và “Hà Nội trong mắt ai”.
“Ngoài ra tôi còn đưa các bạn trẻ đi xem các bảo tàng Hà Nội về thời kỳ bao cấp, tìm những bộ phim nói về thời kỳ đó. Tôi rất muốn các bạn trẻ cảm nhận, hiểu được thời kỳ đó, cắt nghĩa được những hành động, suy nghĩ có thể nói là đơn sơ ở vào thời điểm ấy” - NSƯT Chí Trung cho biết. Và để có được sự phù hợp với xã hội đương thời, NSƯT Chí Trung đã xin phép em gái của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ là nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ sửa đôi chỗ trong kịch bản.
Chia sẻ về lý do chọn vở kịch, NSƯT Chí Trung nói, Nhà hát Tuổi Trẻ và bản thân anh luôn tự hứa với lòng mình rằng, mỗi năm sẽ dựng một vở của nhà viết kịch tài hoa Lưu Quang Vũ. Bởi theo anh, Nhà hát Tuổi Trẻ đã mang ơn của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, là cái nôi đầu tiên để nhà viết kịch Lưu Quang Vũ gửi gắm những đứa con tinh thần, gửi gắm niềm tin. Và theo anh, trong các kịch bản hiện nay, chưa có một tác phẩm nào có giá trị tương xứng như các tác phẩm của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ. Bởi vậy, thay vì chạy theo các kịch bản mới, Nhà hát Tuổi Trẻ quyết tâm mỗi năm dựng lại một vở kịch cũ của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ để phục vụ khán giả.