“Tàu Phúc Xuân 68 mất lái”
Đó là khẳng định của sĩ quan boong Nguyễn Văn Hậu, anh kể: "Tôi lên nhận ca lái vào 23 giờ 50 phút (ngày 8.11 - PV), lúc này không thấy tàu nào chạy gần cả. Tôi ngồi bên ngoài, ở mạn trái của tàu, không hề ngủ gật. Thời tiết không tốt nên khi còn khoảng 2,5 hải lý mới phát hiện được tàu chạy ngược chiều, chếch bên phía mạn phải của tàu mình. Tôi gọi VHF lần thứ hai thì nghe có tín hiệu trả lời. Tôi gọi “anh ơi mạn trái đối nhau nhá” không thấy trả lời, hỏi lại “hai mạn đảo đối nhau, hai mạn đối nhau” thì có tín hiệu nhưng không rõ. Tôi lệnh thủy thủ bẻ phải 15 độ, cảm thấy mũi tàu quay, khi còn 5 độ phải, tôi hô thẳng thế. Khi đó tôi đã thấy tàu mình chạy chếch đèn đỏ của tàu đối diện rồi".
“Nhưng đúng là sự cố của tàu mình rất không may, khi hai tàu còn cách nhau 350m, tôi nghe có tiếng động lớn sau lái. Khi hai tàu còn cách chừng 100m, hoảng quá, tôi bẻ hết lái sang phải nhưng tàu không ăn lái nữa. Mũi tàu mình cứ tự nhiên rẽ trái và bị đâm vào mạn phải”, anh Hậu kể tiếp.
Trước đó, thuyền trưởng Trần Văn Hải (tàu Nam Vỹ 69) tường thuật rằng, khi hai tàu còn cách nhau 6 hải lý, anh này có gọi VHF hai lần nhưng không thấy Phúc Xuân 68 trả lời. Khi hai tàu còn cách nhau khoảng 300m thì tàu Phúc Xuân 68 bất ngờ rẽ trái, cắt mũi tàu Nam Vỹ nên mới xảy ra tai nạn. “Tôi buộc phải cho đâm vào mũi phải của tàu Phúc Xuân 68 vì lúc đó mà đâm trực diện thì thiệt hại lớn cho cả hai tàu” – ông Hải nói.
Trước thân nhân thuyền viên, sĩ quan boong Lê Văn Hậu khẳng định có trả lời VHF và sau đó có gọi VHF.
Trực lái ngủ gật?
Hầu hết thân nhân của 8 thuyền viên đang có mặt ở Nha Trang đều làm trong ngành hàng hải, có nhiều thuyền trưởng, máy trưởng, sĩ quan boong… đều khẳng định bằng kinh nghiệm rằng, chỉ có thể là trực lái ngủ gật, không xử lý được tình huống, khi tàu Nam Vỹ 69 đến gần mới choàng tỉnh và hốt hoảng, vô thức bẻ lái sang trái (thay vì sang phải), gây tình huống cắt ngang mũi tàu Nam Vỹ 69.
“Thuyền trưởng tàu Nam Vỹ quá tinh quái. Họ cho tàu đâm vào mũi mạn phải của tàu mình, biết là tàu mình sẽ chìm thẳng nhưng sẽ giảm tối đa thiệt hại cho tàu họ. Nguyên tắc đâm va trên biển, trong tình huống này sĩ quan boong phải điều khiển tàu đâm trực diện để tránh chìm, tại sao anh không làm được chuyện đó? Rõ ràng là ngủ gật không xử lý được tính huống” – anh Nguyễn Đức Thống, người nhà của thuyền trưởng mất tích tàu Phúc Xuân 68, cũng là một thuyền trưởng tàu hàng nói.
“Tàu chạy bình thường, đang hành trình mà lái không ăn? Không thể tin được. Tất cả những ai ở đây làm nghề này đều không thể tin” - Trần Văn Cường, con trai thuyền viên Trần Văn Quế, cũng là một sĩ quan boong tàu vận tải quốc tế nói.
Trước những câu hỏi về nghiệp vụ của thân nhân 8 thuyền viên, sĩ quan boong Nguyễn Văn Hậu tiếp tục giữ im lặng. Hai thuyền viên sống sót còn lại cũng không nói gì thêm.
“Chúng tôi chỉ muốn biết, có phải tất cả đang ngủ, chỉ có 3 người trong kíp trực còn sống hay không? Hay là tất cả thuyền viên đã rời tàu khi tàu chìm? Khẳng định được điều này thì mới có được phương án tìm kiếm hiệu quả. Ngoài ra, biết diễn biến sự việc để về nhà còn nói lại với người thân” – anh Thống nói.
Theo lời sĩ quan boong Nguyễn Văn Hậu thì khi xảy ra sự cố toàn tàu đã thức, ra boong hết. Nhưng ngược lại, kíp trực tàu Nam Vỹ 69 lại chỉ khẳng định dù đèn pha hai tàu sáng, cự ly gần, nhưng lúc đó chỉ thấy có 3 người trên ca bin tàu Phúc Xuân 68.