Dân Việt

Giảm nghèo đa chiều: Sẽ có nhiều đối tượng nghèo là lao động di cư

Nguyệt Tạ 14/11/2014 06:05 GMT+7
Đây là dự báo của ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi trả lời báo chí liên quan tới những thay đổi trong chính sách giảm nghèo thời gian tới. 

Ông Đàm cho biết: Tốc độ giảm nghèo của Việt Nam khá nhanh, đạt từ 1,8-2%. Tuy nhiên, hoạt động giảm nghèo chưa thực chất, là một trong những căn nguyên khiến cho tỷ lệ tái nghèo cao. Vì vậy, tới năm 2015, hoạt động giảm nghèo sẽ được chuyển sang đa chiều thay giảm nghèo đơn chiều như hiện nay.

Trước đó, trong buổi họp báo nhân Tháng “Vì người nghèo” (từ ngày 17.10 - 17.11), ông Ngô Trường Thi - Chánh Văn phòng Giảm nghèo quốc gia thông báo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 7,8% năm 2013. Tốc độ giảm trung bình 2% năm, riêng huyện nghèo giảm 5% năm. Tỷ lệ hộ cận nghèo còn khoảng hơn 5%, giảm chậm (xấp xỉ khoảng 2%). Báo cáo cũng chỉ ra rằng, lao động khu vực nông thôn, lao động là người dân tộc thiếu đất canh tác… là những đối tượng có khả năng rơi vào bẫy nghèo cao nhất.

Ông Thi thừa nhận: "Công tác giảm nghèo chưa thực chất, không bền vững. Cứ 3 hộ thoát nghèo lại có 1 hộ tái nghèo, 1 hộ nghèo mới. Nhiều nơi, hộ nghèo giảm, thì hộ cận nghèo lại tăng. Chênh lệch giàu nghèo tăng. Thực chất đại bộ phận người nghèo nằm ở cận nghèo và chưa thoát khỏi nghèo”.

Cũng theo ông Thi, hiện nay chúng ta thực hiện xác định chuẩn nghèo theo Quyết định 09. Việc lấy tiêu chí thu nhập cũng chưa được cập nhật CPI hằng năm, do đó việc tính toán cũng không chính xác. Sắp tới, thay vì chỉ thực hiện giảm nghèo đơn chiều (chiều thu nhập) Việt Nam sẽ giảm nghèo đa chiều (5 chiều cơ bản: Y tế; giáo dục; nhà ở; việc làm; thông tin). Điều này sẽ làm tăng thêm đối tượng trong diện hộ nghèo, chủ yếu là nghèo ở đô thị và nhóm nghèo từ các hộ gia đình di cư từ nông thôn ra thành phố.