Tại buổi tọa đàm chiều 13.11 ở THPT chuyên Hà Nội Amsterdam, GS Nguyễn Thiện Nhân đã trả lời câu hỏi về chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài của nhà nước, khi nhiều học sinh du học xong đã ở lại nước ngoài định cư. Ông Nhân cho rằng, không nên đặt yêu cầu tất cả du học sinh phải về nước, thậm chí có người còn phải được đề nghị học thêm, trở thành người tài rồi hãy trở về.
GS lấy ví dụ, năm 2007 tổ chức thi Olympic Toán quốc tế Việt Nam, nếu không có những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn... thì không thể có hội đồng ra đề được thế giới chấp nhận.
"Như vậy cộng đồng nhà khoa học Việt Nam đang ở nước ngoài vẫn hướng về đất nước. Có những người tài 'cắm' ở nước ngoài như vậy cũng là điều tốt. Nếu ở nước ngoài có cơ hội phát triển lại gắn với đất nước thì rất hoan nghênh", ông Nhân nói.
GS Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy banTrung ương Mặt trận tổ quốcViệt Nam đã nhấn mạnh, việc có những nhân tài của Việt Nam "cắm" ở nước ngoài cũng là điều tốt cho đất nước.Ảnh: Văn Văn. |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh, với học sinh Amsterdam, những lựa chọn có lợi cho mình và đất nước của các em, đều được hoan nghênh. Ông tin, nếu là người Việt nhớ về cội nguồn thì dù ở đâu, làm gì, cuối cùng cũng sẽ hướng về đất nước.
Mang đến buổi tọa đàm chiếc mũ rơm, GS Nguyễn Thiện Nhân đặt câu hỏi về thời gian và nguồn gốc ra đời của chiếc mũ. Em Đỗ Hải Nam (lớp 12 chuyên Sử) đã trả lời: "Mũ rơm là vật gắn liền với tuổi thơ bố mẹ chúng cháu. Mũ ra đời trong chiến tranh phá hoại của Mỹ. Vào năm 1964, sau khi dựng lên sự kiện vịnh Bắc Bộ, Mỹ cho không quân và hải quân bắn phá miền Bắc. Học sinh, trẻ em đến trường đội mũ rơm tránh bom, đặc biệt là bom bi rất nguy hiểm".
Câu trả lời của học sinh trường Ams được GS Nhân cho điểm 10. Kể thêm câu chuyện về "thời mũ rơm" gian khổ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam muốn nhắn nhủ, thế hệ ngày nay phải "kế tục ý chí không chấp nhận nước Việt Nam nghèo, không chấp nhận thua các nước khác nhiều mà chúng ta phải nỗ lực phấn đấu vươn lên".