Bỏ phiếu tín nhiệm có nhiều thuận lợi
Sáng 14.11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng có bài phát biểu quan trọng trước khi Quốc hội tiến hành việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Theo Chủ tịch Quốc hội, việc Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với những chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn là việc làm rất hệ trọng. Đồng bào, cử tri cả nước đặt niềm tin vào từng vị đại biểu (ĐB) Quốc hội. Lá phiếu cầm trên tay nhẹ nhàng nhưng mang trong đó trách nhiệm rất nặng nề với cử tri, nhân dân cả nước, đòi hỏi các ĐB Quốc hội phải thật công tâm, khách quan, chính trực.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, lần này việc lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá tín nhiệm là lần thứ hai nên thuận lợi là có kinh nghiệm. Lần thứ hai lại tiến hành sau gần 3 năm của nhiệm kỳ, nên có thêm thời gian so với lần trước. Việc lấy phiếu tín nhiệm lần trước do thời gian còn ngắn việc đánh giá tín nhiệm của từng vị ĐB Quốc hội có khó khăn. Lần này là thuận lợi vì có thêm thời gian, có thêm kinh nghiệm trong việc lấy phiếu tín nhiệm.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cuộc lấy phiếu lần trước có những đồng chí được Quốc hội đánh giá tín nhiệm cao, các đồng chí này cũng coi đánh giá của Quốc hội là điều nhắc nhở mình phải tiếp tục hoàn thành tốt hơn công việc của mình. Có những đồng chí được đánh giá chưa thật cao thì cũng coi như Quốc hội nhắc nhở phải nỗ lực phấn đấu, khắc phục nhược điểm, khuyết điểm của mình, của ngành mình để thúc đẩy phát triển. Qua hơn một năm nhìn lấy kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần trước thấy tình hình triển khai công việc của các vị được Quốc hội bầu và phê chuẩn có sự chuyển biến tích cực trong công việc. Có những vị ĐB Quốc hội đã nói thẳng ngành này, lĩnh vực này đã có những thay đổi, bộ trưởng này, bộ trưởng kia đã có những cố gắng, năng động quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.
“Riêng các vị ĐB trước khi bỏ phiếu tín nhiệm có những thông tin không chính thức, hoặc những đơn khiếu nại, tố cáo, văn bản gửi đến các vị ĐB Quốc hội mà chưa được sàng lọc, chưa được kiểm duyệt thì không phải là thông tin chính thức, chưa đủ căn cứ để các vị ĐB Quốc hội sử dụng, cần cảnh giác với những loại thông tin đó”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý.
Chưa có thông tin “vận động hành lang”
Trước khi tham gia bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, bà Võ Thị Dung - Phó trưởng Đoàn ĐB Quốc hội TP.HCM đã có trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. Trả lời câu hỏi, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội lần này có những thuận lợi gì so với kỳ lấy phiếu lần trước? bà Dung cho rằng: “Thuận lợi thứ nhất là từ đầu nhiệm kỳ tới giờ thì ĐB có quan sát, theo dõi điều hành công việc của những chức danh trong Quốc hội cũng như Chính phủ. Đó là cơ sở rất quan trọng để ĐB đánh giá một cách công tâm, khách quan. Thuận lợi nữa là trước khi kỳ họp Quốc hội diễn ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã gửi đến các ĐB những thông tin qua các báo về các chức danh sẽ được lấy phiếu tín nhiệm.Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm gần cuối kỳ họp cũng là điều kiện để các ĐB có trao đổi, nhận định, bổ sung thông tin về những chức danh được lấy phiếu tín nhiệm, từ đó có quyết định cho lá phiếu của mình có cơ sở hơn”.
“Việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn ở 3 mức, theo bà có nên sửa quy định đưa về 2 mức là tín nhiệm hoặc không tín nhiệm để hợp lý hơn?”- Trả lời câu hỏi này, ĐB Võ Thị Dung khẳng định: “Việc này đã có ý kiến từ kỳ họp Quốc hội trước, nhưng là vì Nghị quyết 35 của Quốc hội chưa thay đổi nên vẫn lấy phiếu ở 3 mức. Việc lấy phiếu theo 3 mức là khó đánh giá, mức tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp thì không thể đánh giá được. Thứ nữa là dư địa để đảm bảo an toàn cho người được lấy phiếu tín nhiệm là rất cao và cũng khó đánh giá. ĐB mong muốn lấy phiếu tín nhiệm chỉ 2 mức là hợp lý.
Còn theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, so với kỳ lấy phiếu tín nhiệm lần trước, lần này có nhiều thuận lợi hơn là hội trường rộng rãi, đại biểu muốn ngồi đâu để ghi phiếu cũng được, ngồi hội trường cũng được, về vị trí đoàn mình cũng được, sau 30 phút thì quay lại, như vậy để tránh bị áp lực xung quanh. Trả lời câu hỏi của báo chí trước thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, có thông tin nào về chuyện người được lấy phiếu vận động hành lang với đại biểu, ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không nghe thấy thông tin đó. Ông Phúc lý giải thêm, kỳ họp này thời gian không dài nhưng phải thông qua 18 dự án, 3 nghị quyết và cho ý kiến 12 dự án luật, như vậy khối lượng công việc lớn, chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là muốn đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian để nghiên cứu tài liệu cả ban ngày, cả thời gian ở khách sạn, hạn chế việc giao lưu. Còn nếu có giao lưu, trao đổi gặp gỡ giữa người được lấy phiếu và các đại biểu cũng là bình thường, không có cơ sở nào để nói giao lưu để tác động đến chuyện lấy phiếu được”- Chủ nhiệm VPQH khẳng định”.