Theo nội dung quy định tại văn bản, đối với thuốc BVTV kỹ thuật nhập khẩu sẽ tiến hành kiểm tra hàm lượng hoạt chất với thời gian trả lời kết quả theo quy định là 3 ngày làm việc. Đối với thuốc BVTV thành phẩm nhập khẩu, sẽ phải kiểm tra đầy đủ các chỉ tiêu lý hóa và thời gian trả kết quả 20 ngày, không kể thời gian lấy mẫu.
Theo phân tích của các doanh nghiệp, thông thường, mỗi lô hàng thuốc BVTV nhập về tới cảng, thủ tục lấy mẫu phân tích mất 2-3 ngày, hoàn thiện thủ tục hải quan cần từ 3-5 ngày. Thêm quy định thời gian phân tích mẫu tại Văn bản 151 vừa được ban hành cần 20 ngày làm việc. Như vậy, để một lô hàng thuốc BVTV nhập khẩu được lưu hành trên thị trường sẽ cần thời gian hơn 30 ngày với điều kiện mọi việc bình thường. Tuy nhiên, theo quy định của hải quan, việc lưu hàng tại cảng chỉ được phép 5 ngày nên doanh nghiệp sẽ phải chi phí lưu kho tại cảng khoảng 25 ngày.
Theo ông Đàm Quang Thắng- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp kinh doanh thuốc BVTV và hóa chất Hà Nội, hoạt động kinh doanh thuốc BVTV là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phụ thuộc rất nhiều vào tình hình sâu bệnh, yếu tố thời tiết, mùa vụ. Vì vậy, nếu hàng hóa về không đáp ứng được yêu cầu mùa vụ, gây tình trạng hàng tồn phải để lại bán vụ sau việc này gây thiệt hại rất lớn tới tài chính (hàng tồn kho, bảo quản, kho bãi), hoạt động sản xuất kinh doanh, uy tín cũng như chất lượng của thuốc khi phải bảo quản trong một thời gian dài.
Với thời gian có được đầy đủ thủ tục để thông quan trong vòng 30 ngày như công văn đã nêu, chưa tính thời gian hoàn thiện các thủ tục khác cho việc thông quan này sẽ bắt buộc phải mất 2 lần làm thủ tục hải quan thông quan. Tại thời điểm này, khi hàng hóa về cảng phải có kết quả kiểm định mới được lấy hàng ra khỏi cảng và mỗi tờ khai hải quan chỉ có thời hạn tối đa 15 ngày. Như vậy, vô hình chung các DN muốn nhập hàng phải làm 2 lần tờ khai và thủ tục rất khó khăn mới nhập được hàng về đến xưởng. Tiêu tốn thời gian, tiền bạc của DN, bất lợi cho việc kinh doanh, thủ tục giấy tờ hành chính sẽ phức tạp cho DN, thậm chí có thể “bóp chết” DN.