Bữa cơm trưa dang dở
Gần 4 năm trôi qua, nhưng với bà Nguyễn Thị Đến, xã Bình Phú (Cai Lậy, Tiền Giang) vẫn còn nhớ như in sự ra đi đột ngột của chồng bà là ông Dương Văn Đời, giáo viên Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Nghiệp, tử vong do TNGT trên đường đi tập vật lý trị liệu từ Cai Lậy về nhà ở Bình Phú.
Bà Đến buồn bã kể lại chuyện: “Sáng hôm ấy, anh Đời nói đi uống trà với mấy thầy cô trong trường, rồi sẽ đi tập vật lý trị liệu, kêu tui ở nhà nấu cơm trưa anh ấy về ăn cùng. Đợi mãi chẳng thấy anh về, điện thoại mấy thầy cô trong trường thì nói anh ấy về lâu rồi... Ít phút sau thì nghe tin anh ấy bị tai nạn. Anh ấy chết khi chưa kịp ăn bữa cơm trưa cùng với vợ con”.
Được biết, cái chết của ông Đời là do 2 xe tải tranh giành đường với nhau. Khi bà Đến tới bệnh viện nhận dạng thi thể của chồng mình thì chỉ còn thấy ông trong tình trạng thân thể không còn nguyên vẹn - đó như một nỗi ám ảnh không bao giờ nguôi. Vừa lau tấm di ảnh của chồng, bà Đến nói trong nước mắt: "Anh ấy chết thảm lắm, bị kẹt giữa 2 cái xe nên từ bụng trở lên bị biến dạng hoàn toàn, chỉ còn 2 chân là nguyên vẹn…". Gia đình vốn đã khó khăn, một mình bà phải trở thành trụ cột của gia đình, mọi việc gần như quá sức đối với người phụ nữ thôn quê này. “Tui chỉ còn đủ sức chạy ăn cho con chứ không còn tâm trí dạy dỗ con”- bà Đến nói.
Còn bà Nguyễn Thị Đô (58 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) thì hiện đang phải nuôi 2 đứa cháu nội sau cái chết của con trai vì tai nạn giao thông.
“Hôm đó là giữa tháng 8.2011, con trai tôi là Hoàng Ngọc Dũng chở vợ và 2 con từ nhà sang huyện Thống Nhất đã bị xe tải cán chết tại khu vực ngã tư Dầu Giây (huyện Thống Nhất). Vợ con thằng Dũng may mắn chỉ bị thương nhẹ”- bà Đô nhớ lại. Vợ anh Dũng làm công nhân, tiền lương không đủ lo cho 3 mẹ con nên đã bỏ việc lên TP.HCM kiếm sống. “Từ đó đến nay, hàng ngày tôi phải bươn chải kiếm tiền nuôi các cháu, thân già hay đau ốm lại càng thêm vất vả nhưng thương nhất là các cháu mỗi ngày một lớn mà thiếu vắng sự chăm sóc của cả cha lẫn mẹ” - bà Đô tâm sự.
“Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”
Theo thống kê của Ban ATGT quốc gia, trong 10 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 20.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết gần 7.500 người. Điều đó có nghĩa hơn 7.500 gia đình rơi vào những hoàn cảnh u uẩn như bà Đua, bà Đô. Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT cho biết: “Thông điệp nhằm nhắc nhở và là động lực để chúng ta có hành động thiết thực hơn để những người đang sống được tham gia giao thông trong một hệ thống an toàn hơn, bớt những bi kịch cho các gia đình”.
Lễ tưởng niệm diễn ra tối 16.11 được thể hiện qua hình thức nghệ thuật hóa các câu chuyện nhân văn có thật trong năm 2014, đồng thời kết hợp với các phóng sự truyền hình để truyền tải thông điệp mạnh mẽ đến những người ngồi sau tay lái. NSƯT Chí Trung – Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, tổng đạo diễn chương trình cho biết: “Chúng tôi không sân khấu hóa hay kịch hóa. Đây là lễ tưởng niệm những người đã mất do TNGT và cảnh báo những người đang sống. Ý tưởng lễ tưởng niệm là cuộc sống vốn dĩ tươi đẹp, chỉ một giây phút ngắn ngủi số phận của người tham gia giao thông có thể thay đổi và ảnh hưởng đến rất nhiều người khác”.
Lễ tưởng niệm đã nhắc đến trường hợp cháu bé Gia Huy chào đời trong sự ra đi không lời trăng trối của mẹ, nhắc lại vụ tai nạn xe khách thảm khốc tại Lào Cai với những câu hỏi nhói lòng. Tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Trung bình mỗi ngày có 25 người ra khỏi nhà và vĩnh viễn không trở về với gia đình để lại nỗi đau đớn tột cùng.
Phó Thủ tướng đề nghị mỗi người Việt Nam phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khủng khiếp của TNGT. Thay mặt Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi toàn thể người dân làm tất cả những gì có thể để giao thông an toàn hơn, để những vụ TNGT thương tâm không còn rình rập.