Dân Việt

Hà Nam: Người buôn lợn bị “xã hội đen” đe dọa

Thắng Quang 17/11/2014 06:35 GMT+7
Người buôn bán lợn ở thôn Chùa 5 (xã An Nội, huyện Bình Lục, Hà Nam) gửi đơn tố cáo hàng chục đối tượng lạ mặt, xăm trổ đầy mình, lượn lờ quanh khu vực, thậm chí có cả vũ khí để uy hiếp người dân. Đã có một số người dân bị đánh khi vẫn buôn bán lợn tại đây.

Ép dân vào chợ đầu mối?

Theo phản ánh của người dân thôn Chùa 5 (xã An Nội), khoảng 20 – 25 ngày trở lại đây, khu vực này bỗng xuất hiện khoảng 20 đối tượng không rõ danh tính, mặt mũi hung tợn tập trung trước cửa nhà một số hộ buôn bán, trung chuyển lợn thịt trong khu vực khiến người vô cùng lo lắng. Một người dân đề nghị giấu tên cho biết: “Nhóm đối tượng này thường xuyên dựng xe, mang bàn ghế, thậm chí mắc võng ngồi trước cửa nhà chúng tôi. Họ còn vác dao đi lại quanh khu vực, hễ thấy người lạ xuất hiện là chúng “hỏi thăm”. Chỉ cần người nào tỏ ý chống đối, chúng sẽ buông lời quát nạt, đe dọa. Thậm chí, có một đối tượng còn đem cả súng tới, chĩa về phía nhà chúng tôi để dằn mặt. Có kẻ trong nhóm này còn đe ai không nghe lời chúng chúng sẽ dùng kim tiêm để chích vào bọn trẻ con”.

imgNhiều hộ buôn bán lợn phải tạm nghỉ việc kinh doanh vì sợ nhóm người lạ mặt hành hung, uy hiếp. 

 

Vẫn chưa hết sợ hãi, ông Cù Văn Mạnh – một đầu mối buôn bán lợn cho hay: “Khoảng 12 giờ 30 ngày 25.10, con trai tôi là Cù Văn Doanh đi làm ăn xa về, chưa kịp vào nhà đã bị các đối tượng này chặn đầu quát: “Mày ở đâu đến đây?”. Chưa kịp hiểu sự tình, các đối tượng này cầm dao, tuýp sắt đuổi chém con tôi. Hoảng quá, con tôi chạy vội vào trong nhà. Thấy nguy hiểm, tôi chạy ra đóng cửa lại. Nhóm côn đồ hùng hổ dùng dao chém vào thành cổng và đe dọa, ai đi ra ngoài chúng sẽ chém chết”.

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2003 khu chợ buôn lợn manh nha được thành lập bởi một số hộ dân tại khu vực thôn Chùa 5. Nhờ đó, đời sống các hộ được cải thiện rõ rệt. Nhờ cách làm hiệu quả, uy tín nên khu chợ đã thu hút được nhiều lái lợn từ các tỉnh lân cận tập trung đến khu vực này để làm ăn, xuất đi các vùng trong Hà Nam và các tỉnh lân cận. Trước sự thành công này, UBND tỉnh Hà Nam quyết định xây dựng chợ đầu mối gia súc gia cầm đặt tại xã Bối Cầu (Bình Lục). Chợ đi vào hoạt động từ cuối năm 2012. Thế nhưng, sau khi đi vào hoạt động, những người lái buôn lại quay về làm ăn theo kiểu tự phát như trước vì nhiều lý do.

Anh Trần Toàn (ở Trung Lương, Bình Lục) làm nghề lái lợn bức xúc: “Trước đây chúng tôi thường tập trung lợn tại thôn Chùa 5, sau đó đợi thương lái đến lấy. Chợ xây xong, chúng tôi cũng vào đây để kinh doanh. Tuy nhiên, việc buôn bán ở chợ lại không thuận lợi như mong đợi vì phí cho mỗi con lợn vào chợ cao. Hơn nữa, chợ đặt quá xa nên không thuận tiện việc đi lại. Do đó chúng tôi mới ra ngoài tự kinh doanh như trước. Chính vì nhiều người bỏ ra nên chợ trở nên đìu hiu, lợi nhuận ít đã gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp quản lý chợ. Do vậy, chúng tôi nghi ngờ rằng sự xuất hiện của các đối tượng lạ mặt kia có liên quan tới vấn đề quay trở lại chợ”.

Chính quyền chưa nắm được

Trao đổi với PV NTNN về vấn đề này, ông Đinh Văn Toàn - Trưởng công an xã An Nội cho biết: “Sau khi tiếp nhận sự việc, Công an xã và Công an huyện đã tiến hành lập biên bản hiện trường. Tuy nhiên, thẩm quyền của chúng tôi có hạn, việc điều tra phải do công an huyện tiến hành. Người dân phản ánh việc có nhìn thấy có đối tượng mang súng đe dọa dân nhưng chúng tôi thì không biết việc đó”. Ông Toàn cũng xác nhận có sự việc đối tượng đuổi chém người dân nhưng hiện tại chưa xác định được đối tượng gây ra vụ việc này.

Còn ông Nguyễn Đức Tỉnh – Phó Trưởng phòng Công Thương huyện Bình Lục cho hay: “Nhằm tập trung những người buôn bán thịt lợn, huyện đã xây dựng chợ đầu mối, UBND tỉnh Hà Nam có chỉ đạo doanh nghiệp thu phí hợp lý để người dân chấp nhận được. Phòng Công Thương đã tham mưu cho UBND huyện ra kế hoạch tuyên truyền cho người dân vào kinh doanh buôn bán gia súc, gia cầm tại chợ đầu mối và tăng cường xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông, môi trường. Còn tình trạng đầu gấu đe dọa ép dân thì chúng tôi chưa nắm được”.

Ông Tỉnh còn cho hay, sau khi nắm được thông tin từ phóng viên, ông sẽ báo cáo lên lãnh đạo huyện để có phương án xử lý cụ thể.

   Theo hầu hết các thương lái, việc chi phí khá cao khi vào trong chợ kinh doanh khiến họ không có lãi, đành phải ra khỏi chợ. Nhưng kể từ khi quay về điểm buôn bán cũ, họ bị đối tượng lạ mặt thường xuyên đe dọa. Những lái lợn từ nơi khác đến cũng bị nhóm đối tượng này khiêu khích, thậm chí có trường hợp còn bị bọn chúng đấm, ném cát vào mặt vì không chịu đưa lợn vào chợ đầu mối nên nhiều người lo sợ, không dám tới đây buôn bán nữa.