Dân Việt

Kinh ngạc với những nhà văn có những ý tưởng vượt tầm thời đại

17/11/2014 15:32 GMT+7
Những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng của hôm nay chứa đầy những thiết bị, công nghệ hiện đại của tương lai, mà loài người chưa thể biết được đến bao giờ nhân loại sẽ đạt được những phát minh tưởng như… “không tưởng” đó.

Tuy vậy, thực tế, những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng ở những thập niên trước cũng đã từng chứa đựng những phát minh, mà đối với người đọc ở thời kỳ đó, là những phát minh “không tưởng”, nhưng rồi, các nhà khoa học đã biến những điều không tưởng trở thành hiện thực.

Hãy cùng điểm lại những phát minh “không tưởng” trong văn học đã trở thành hiện thực:

img


Tai nghe: Chúng ta giờ đây coi những chiếc tai nghe là quá đỗi bình thường bởi chúng đã trở nên thông dụng kể từ năm 2001. Nhưng ở năm 1950, trong cuốn tiểu thuyết “Fahrenheit 451”, nhà văn người Mỹ Ray Bradbury đã có tầm nhìn vượt thời đại khi tưởng tượng ra những chiếc máy nhỏ xíu như vỏ ốc đeo vào tai, giúp người nghe có thể nghe đài phát thanh, nghe nhạc và trò chuyện.

 

img


Chân tay giả được điều khiển bằng ý nghĩ: Chân tay giả có thể được điều khiển bằng ý nghĩ hiện tại vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, nhưng đã trở thành một công nghệ có thật đối với những người không may không lành lặn. Đầu năm nay, một thiếu niên người Anh đã trở thành người đầu tiên được lắp tay giả điều khiển bằng ý nghĩ. Ý tưởng này đã từng xuất hiện trong khá nhiều những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng như tiểu thuyết “Cyborg” (1972) của nhà văn người Mỹ Martin Caidin, hay loạt truyện “Star Trek” (từ cuối thập niên 1960), “Star Wars” (từ thập niên 1990)…

 

img


Cuộc gọi video: Giờ đây, những cuộc gọi video đã trở nên quá thông dụng trong đời sống, người ta có thể trò chuyện với nhau và nhìn thấy gương mặt nhau dù cách nhau cả nửa vòng trái đất, thậm chí, có những cuộc phỏng vấn được thực hiện qua cuộc gọi video. Năm 1911, nhà văn người Mỹ Hugo Gernsback đã viết về những cuộc gọi video mà ông đặt tên là “Telephot” trong cuốn tiểu thuyết “Ralph 124C 41+”, trong đó, một màn hình lắp trên tường có thể kết nối chúng ta tới những người khác thông qua một vài nút bấm.

img

Camera giám sát CCTV: Nhà văn người Anh George Orwell trong cuốn tiểu thuyết “1984” (1949) đã từng miêu tả các nhân vật của mình bị giám sát dưới những ống kính khổng lồ. Đến thập niên 1970, những ống kính đó bắt đầu xuất hiện trong đời thực với mục đích phục vụ an ninh, đó chính là những camera giám sát.

img

Cửa tự động: Giờ đây, khi bạn ra vào siêu thị, những cánh cửa tự động mở ra, khép lại cho bạn, phát minh này đã từng được tiên đoán trong cuốn “The Sleeper Awakes” (Thức dậy - 1899) của tác giả người Anh H.G. Wells.

img

Màn hình cảm ứng: Những thiết bị điện tử thông minh có màn hình cảm ứng giờ là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của chúng ta nhưng chỉ vài thập niên trước, đây vẫn còn là một ý tưởng “điên rồ” mà hiếm ai tin sẽ trở thành sự thực. Trong cuốn “The Hitchhiker's Guide to the Galaxy” (1979), tác giả người Anh Douglas Adams đã đề cập tới một thiết bị di động có vai trò như một chiếc máy tính với giao diện có tính tương tác cao.

img

Điện thoại di động: Loạt tiểu thuyết “Star Trek” được xuất bản kể từ năm 1968 đã luôn đưa vào những ý tưởng phát minh đi trước thời đại, chẳng hạn như những thiết bị điện đàm xuyên không gian vũ trụ. Giờ đây, loài người đã có thể hiện thực hóa phần nào những thiết bị hiện đại được đề cập trong loạt tiểu thuyết này. Chỉ có điều chiếc điện thoại của chúng ta hôm nay vẫn chưa thể thực hiện những cuộc gọi xuyên hành tinh như trong “Star Trek”.

img


Thẻ tín dụng: Thẻ tín dụng là một phương pháp thanh toán quen thuộc đối với những con người hiện đại nhưng đã có thời, phương pháp thanh toán này là “không tưởng”, chỉ xuất hiện trong những tiểu thuyết khoa học viễn tưởng. Trong cuốn “Looking Backwards” (Nhìn lại phía sau - 1888), tác giả người Mỹ Edward Bellamy đã viết về một hệ thống thanh toán nhanh gọn, chính xác để người tiêu dùng không cần mang tiền mặt theo người. Chỉ có điều, theo tưởng tượng của nhà văn thì số tiền nằm trong những thẻ này là do nhà nước cung cấp. Mỗi người sẽ có một mức tín dụng riêng và thẻ sẽ có thể sử dụng trên toàn thế giới.

 

img


Công nghệ gen: Những em bé được thụ tinh trong ống nghiệm, thực phẩm biến đổi gen… giờ đây đã không còn xa lạ với đời sống con người hiện đại. Nhưng đã có thời những ý tưởng như vậy gây kinh hãi với đầy rẫy những giả thuyết về nguy cơ. Không ai tiên đoán về công nghệ gen chính xác như nhà văn người Anh Aldous Huxley trong cuốn tiểu thuyết “Brave New World” (Thế giới mới quả cảm - 1932). Tuy vậy, những mặt trái mà Huxley dự báo đã may mắn không xảy đến trong thực tế.

img

Sách điện tử: Những thiết bị đọc sách thông minh đã khiến những cuốn sách giấy bị cạnh tranh kịch liệt. Trong cuốn tiểu thuyết “Return from the Stars” (Trở về từ những vì sao - 1961) của nhà văn Ba Lan Stanislaw Lem, những cuốn sách số đầu tiên đã được đề cập, trong đó, những cuốn sách là những mặt kính trong suốt như pha lê chứa đựng những nội dung đã được mã hóa, người đọc có thể dùng những đầu ngón tay để di chuyển các “trang sách”, giống như công nghệ chạm hiện nay.