Trên cơ sở đó, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an đã cấp thử và sẽ tiếp tục thực hiện cấp CMND theo mẫu mới có ghi tên cha mẹ của công dân tại Hà Nội và nhiều tỉnh phía Bắc. Dư luận đã phản ứng rất mạnh mẽ đối với quy định này, cho rằng nó vi phạm Luật Dân sự và vi phạm Công ước Quốc tế về quyền trẻ em 1989 có hiệu lực từ 2.9.1990.
Báo chí đưa tin đại diện Bộ Tư pháp cho biết: “Nếu xét thấy việc thẩm định Nghị định 05 và sau đó là Nghị định 170 có sơ suất, để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ công dân thì Bộ Tư pháp sẽ không chối bỏ trách nhiệm của mình và sẵn sàng thừa nhận khuyết điểm với Chính phủ”. '
Nói cách khác, việc “để lọt quy định cho phép CMND ghi họ tên cha mẹ” chắc chắn vi phạm Luật Dân sự và Công ước nói trên.
Ý kiến của các chuyên gia luật có thẩm quyền như tiến sĩ Lê Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, luật gia Phạm Quốc Anh - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đều cho rằng quy định đó trái pháp luật và công ước quốc tế.
Trên cơ sở đó việc sửa đổi thay thế Nghị định 170 là cấp bách. Trước khi có nghị định mới, Chính phủ nên lệnh cho Bộ Công an ngừng cấp CMND theo mẫu mới. Có những nhóm đặc lợi muốn thực hiện quy định trái luật này và việc tiếp tục cấp ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc có thể là một hành động nhằm gây việc đã rồi và làm khó cho Chính phủ để sửa Nghị định 170.
Có bao nhiêu luật vi phạm hiến pháp và các công ước quốc tế? Có bao nhiêu nghị định vi phạm pháp luật và công ước quốc tế? Có bao nhiêu quyết định vi phạm các Nghị định, luật và hiến pháp? Có thể nói không ít (Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết có 3.000 quyết định của Thủ tướng về đất đai là không đúng thẩm quyền), nhưng các cơ quan chức năng chưa có nghiên cứu tổng hợp.
Điều đáng nói là, Việt Nam đã là nước châu Á đầu tiên và nước thứ 2 trên thế giới phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền trẻ em từ ngày 20.2.1990, thế mà 9 năm sau vẫn ra Nghị định 05 vi phạm nó, sau 17 năm vẫn giữ nguyên quy định sai trái đó trong Nghị định 170 năm 2007 và mãi sau 22 năm do áp lực của dư luận mới phát hiện ra sai sót! Các cơ quan nhà nước liên quan hoạt động hết sức kém nếu không nói là vô trách nhiệm.
Để giúp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn, đề nghị Quốc hội (hoặc Chính phủ hay Bộ Tư pháp) hãy mở một mục trên trang Thông tin của Quốc hội (hoặc của Chính phủ hay bộ) để tập hợp ý kiến của các luật gia, của các chuyên gia và người dân. Góp ý của họ (về điều khoản của luật hay nghị định vi phạm các khoản của các luật hay các công ước quốc tế và kiến nghị sửa đổi).
Những góp ý này có thể được tổ chức dưới dạng một cơ sở dữ liệu để tiện cập nhật, tổng hợp. Những góp ý này cũng nên để cho bất cứ ai, nhất là báo giới, có quyền tiếp cận. Làm như thế người dân sẽ giúp Quốc hội, giúp Chính phủ và Bộ Tư pháp hoạt động hữu hiệu hơn. Và cũng nên thưởng những người tích cực góp ý và có những góp ý xác đáng. Đấy là một cách nhỏ để người dân tham gia vào công việc lớn của Nhà nước.
Nguyễn Quang A