Dân Việt

Gặp người bắt băng cướp Bạch Hải Đường trên đỉnh Đèo Ngang

17/11/2014 19:02 GMT+7
Sự truy bắt đến cùng của Lê Xuân Băn và đồng đội đã buộc băng cướp Bạch Hải Đường phải xoá sổ. Khi biết băng cướp Bạch Hải Đường đã bị triệt phá, nhiều lái xe khách Bắc - Nam đã vào tận cơ quan Công an Quảng Bình để cảm ơn Lê Xuân Băn và đồng đội.
Đằng đẵng vượt qua đông dài lạnh lẽo

Sau hàng chục ngày tìm nguồn tư liệu về băng cướp Bạch Hải Đường ở phòng hồ sơ Công an Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Quảng Trị... tôi quyết định về vùng cát trắng Quảng Bình gặp đại tá Lê Xuân Băn. Khi vừa vào trụ sở Công an huyện Bố Trạch để tìm gặp người góp phần xoá sổ băng cướp Bạch Hải Đường, một điều tra viên lắc đầu cho biết: "Vợ anh Băn đang đau nên anh đang buồn. Anh Băn lại rất ít nói về mình, nên anh có thể khai thác thêm tài liệu ở anh em trong đơn vị". Khi tìm hiểu thêm về cuộc sống đời thường của đại tá Lê Xuân Băn, nước mắt chúng tôi chực trào và càng yêu quý cảm phục anh hơn.

img
Đại tá Lê Xuân Băn.

Gần 20 năm nay, vợ đại tá Lê Xuân Băn bị bệnh nhũn não, tâm thần phân liệt. Sinh cho anh 2 đứa con, sau đó vợ anh mang trọng bệnh lúc tỉnh lúc điên. Một mình anh cần mẫn, hy sinh cả cuộc đời dài đằng đẵng hơn 30 năm trời để nuôi vợ, nuôi con. Có lẽ sự hy sinh vất vả quá lớn trong cuộc đời nên rất ít khi thấy anh cười. Chỉ những lúc thật vui bên bầu bạn trong chén rượu, ly trà mới thấy anh cười, song tiếng cười sao nghe cũng có phần nghèn nghẹn. Một mình nuôi con từ khi con còn chập chững tập đi, anh trông theo từng bước chân của con lấy đó làm điểm tựa cuộc đời để anh đi tới. Nhiều hôm đã chín, mười giờ đêm lo cơm nước cho vợ, cho con đi ngủ rồi một mình anh mới ngồi vào mâm cơm.

Bao nhiêu đêm dài, Lê Xuân Băn thức trắng đêm khi trái gió trở trời con bị nóng sốt, còn vợ lại đang đi thất thểu đâu đó trong đêm, mà quên cả đường về nhà. Anh cứ trông trời mau thật sáng để gửi con cho nhà hàng xóm đi tìm vợ. Chị bị căn bệnh điên điên dại dại nên nhiều hôm anh đang ăn cưới, ăn hỏi, hoặc đang làm việc ở cơ quan chị lại xông vào đứng bên cạnh rồi cười như nắc nẻ. Mọi người nhìn anh ái ngại, còn anh lại thầm thì, tìm cách khuyên nhủ vợ về nhà. Tình thương anh dành cho vợ hiếm có người đàn ông nào làm được. Không một lần anh phàn nàn, kêu ca về hoàn cảnh gia đình. Không một lần anh to tiếng với người vợ mang trọng bệnh của mình. Chỉ có lần anh tâm sự, cưới nhau được mấy năm chị sinh con rồi mang bệnh, nhưng anh luôn dành tình cảm cho chị như ngày hai người còn khổ cực đến với nhau. Có lẽ tình yêu đầu luôn thắp sáng ngọn lửa yêu thương để giúp anh vượt qua nhiều đêm dài tăm tối...

Bạch Hải Đường và những vụ trấn đèo kinh hoàng

Vào những năm 80 của thế kỷ trước, cuộc sống nhân dân dọc dải đất miền Trung đang gặp nhiều khó khăn, đã vậy nhiều nơi người dân lại luôn phải đối mặt với các băng, nhóm cướp liều lĩnh luôn dùng hàng nóng dọc theo quốc lộ 1A. Đặc biệt tại các điểm đèo giáp ranh như đèo Hải Vân, đèo Cù Mông, An Khê, Phú Gia, Phước Tượng, Đèo Ngang... xuất hiện một băng cướp bịt mặt với hàng chục tên. Sau nhiều ngày mai phục, theo dõi, lực lượng của Bộ Công an đã phát hiện, băng cướp trên lấy hỗn danh Bạch Hải Đường do 2 tên Nguyễn Văn Phái và Võ Văn Huy cầm đầu. Băng cướp này cực kỳ liều lĩnh, chúng chuyên dùng lựu đạn, súng AK bắn thẳng vào xe khách để cướp tài sản. Băng cướp liên tục thay đổi địa điểm hoạt động, đầu tuần chúng vừa nổ súng ở Đèo Cả để cướp thì cuối tuần chúng đã nổ súng gây án ở đèo Hải Vân.

Ông Nguyễn Văn Nam, trú ở đường Hà Huy Tập, thành phố Vinh từng là một lái xe đường dài khi nhắc đến băng cướp Bạch Hải Đường, kinh hoàng kể lại: Có lần xe khách chúng tôi vừa leo lên được giữa đèo Hải Vân thì gần chục tên mặc quần áo đen, bịt mặt như người nhện trên trời rơi xuống, chúng đứng chắn trước xe xa khoảng độ 30m chĩa thẳng nòng súng vào đầu xe. Thằng cầm đầu chĩa súng lên trời bắn một phát buộc dừng xe. Sau đó chúng cho vài thằng leo lên xe lục soát lấy hết tư trang, tiền bạc, nhẫn đeo tay, đeo tai của khách, của nhà xe, còn những thằng khác bồng súng vây quanh xe. Chỉ cần nhà xe, hoặc khách tỏ thái độ là chúng bắn gãy chân. Vì vậy một thời gian dài, khắp cả nước người dân đều dặn người nhà, khi đi xe thì không được đeo nhẫn vàng, vòng vàng là vì do sợ bị cướp.

Theo hồ sơ tư liệu, trong hai đối tượng cầm đầu băng cướp Bạch Hải Đường, nếu Nguyễn Văn Phái cực kỳ liều lĩnh, thì Võ Văn Huy lại hết sức ranh ma, quỷ quyệt. Vì vậy, trong một thời gian dài từ năm 1986-1988, khi lái xe đến các điểm đèo trên tuyến quốc lộ 1A, nhiều tài xế thường gọi đến điểm tử thần vì sợ đụng mặt băng Bạch Hải Đường. Có xe khách chạy từ TP.HCM vừa đến nửa Đèo Cả, bị băng cướp bịt mặt bắn nát kính xe và lột toàn bộ tư trang của hành khách. Có lái xe chống lại đã bị chúng bắn gãy chân, mấy chục hành khách đã bị chúng gây thương tích. Bạch Hải Đường trở thành đối tượng truy nã đặc biệt của ngành công an. Nỗi gieo rắc kinh hoàng của băng Bạch Hải Đường đã nằm trong tầm ngắm của Công an các tỉnh, nhưng do thủ đoạn xảo quyệt và hành động chớp nhoáng, lại liên tục thay địa điểm nên bọn chúng vẫn nằm ngoài tầm khống chế của lực lượng công an.

Đấu súng trên đỉnh đèo Ngang

Sau một thời gian hoạt động ở đèo Hải Vân, Phước Tượng, Đèo Cả, đèo An Khê... băng Bạch Hải Đường bịt mặt chuyển địa bàn ra Đèo Ngang, Quảng Bình. Nhận được tin báo về băng cướp, hàng chục ngày trời Lê Xuân Băn cùng đồng đội trang bị đầy đủ súng ống tư trang nằm phục ở chân, đỉnh Đèo Ngang. Mặc cho trời mưa rét, sên vắt cắn đầy mình, cán bộ chiến sĩ vẫn nắm chặt tay nhau mai phục.

Lê Xuân Băn động viên đồng đội, Bạch Hải Đường tác oai, tác quái nơi nào không biết, nhưng nếu xuất hiện tại đèo Ngang chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Lời động viên, lời khẳng định đầy tự tin và quyết tâm của người chỉ huy mới ở tuổi 30 làm anh em vững tâm. Sau gần 20 ngày mai phục, nhưng có vẻ như băng cướp Bạch Hải Đường đánh hơi biết lực lượng Công an Quảng Bình chốt chặn ở Đèo Ngang nên chúng im hơi lặng tiếng. Nhưng khi Lê Xuân Băn và đồng đội vừa rút đi thì lập tức Bạch Hải Đường xuất hiện tại Đèo Ngang và nổ súng thẳng vào xe khách chạy từ Hà Nội vào để cướp tài sản. Khi cùng đồng đội lên đến Đèo Ngang, chứng kiến cảnh nhiều hành khách bị trúng đạn máu me văng ra cả kính xe, khuôn mặt Lê Xuân Băn đanh lại.

Anh thức trắng đêm bên chồng án, sau khi nghiên cứu hết tất cả cách thức hoạt động của băng cướp từ những vụ chúng gây ra ở các tỉnh phía trong, Lê Xuân Băn nhận định: Đèo Ngang vẫn là địa bàn hoạt động tiếp theo của chúng. Đúng như nhận định của Lê Xuân Băn, sau hơn một tháng gây án ở Đèo Ngang lần đầu, băng Bạch Hải Đường tiếp tục xuất hiện ở Đèo Ngang, chúng dùng súng AK bắn vào xe khách làm bị thương 8 người rồi cướp tài sản, nhưng lần này Lê Xuân Băn và đồng đội có mặt kịp thời tại điểm chúng gây án.

"Nguyễn Văn Phái, Võ Văn Huy dừng lại", tiếng Lê Xuân Băn hô đanh thép, lại đúng tên hai đối tượng cầm đầu làm nhiều đối tượng khác sững lại. Nhưng sau đó lập tức hàng loạt súng chĩa thẳng vào người Lê Xuân Băn, chúng bắn xối xả. Trong giây phút sinh tử, anh nhận định, phải kéo luồng đạn về phía mình để tránh gây thương vong cho hành khách, nhưng mình không được chết để còn bắt chúng, phải "phỉnh" cho chúng bắn hết đạn rồi dùng võ thuật hạ thủ đối tượng. Bằng những động tác võ thuật điêu luyện, anh bay qua tảng đá kéo theo tiếng đạn của băng cướp.

Sau vài phút, Lê Xuân Băn lao vào Nguyễn Văn Phái. Nguyễn Văn Phái ngoài việc thích dùng hàng nóng, thì hắn còn là một cao thủ võ lâm. Nguyễn Văn Phái theo học đủ các loại môn phái, lại lâm vào đường cùng nên hắn liên tục ra đòn nhằm hạ Lê Xuân Băn. Nhưng hắn đã nhầm, sau ba cú liên hoàn cước của anh Băn, Nguyễn Văn Phái lập tức hô đàn em chạy vào rừng. Song sự truy bắt đến cùng của Lê Xuân Băn và đồng đội đã buộc băng cướp Bạch Hải Đường phải xoá sổ. Khi biết băng cướp Bạch Hải Đường đã bị triệt phá, nhiều lái xe khách Bắc - Nam đã vào tận cơ quan Công an Quảng Bình để cảm ơn Lê Xuân Băn và đồng đội.

Yêu nghề như khát vọng sống

Như đã nói ở phần đầu, hoàn cảnh gia đình của Đại tá Lê Xuân Băn là vậy. Song hơn mười năm liên tục anh là Chiến sĩ thi đua cơ sở, nhiều lần được Bộ trưởng Bộ Công an tặng bằng khen, nhiều bằng khen, giấy khen của UBND và Công an tỉnh Quảng Bình. Lê Xuân Băn, sinh năm 1956, ở vùng quê cát trắng Bố Trạch, Quảng Bình. Năm 1975, anh tốt nghiệp Trường Trung học Cảnh sát và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của trường. Năm 1982, anh vào học Trường Đại học Cảnh sát với 5 năm chuyên ngành Kỹ thuật hình sự. Tốt nghiệp ra trường, Lê Xuân Băn khoác ba lô về lại miền cát trắng quê hương Quảng Bình.

img
Lãnh đạo Công an Quảng Bình tặng hoa cho Ban chuyên án (Đại tá Lê Xuân Băn đứng ngoài cùng bên phải).

Với thành tích học tập tốt, Lê Xuân Băn đã áp dụng thành công những bài học trên giảng đường vào cuộc chiến đấu với tội phạm, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân. Năm 1986, với cương vị công tác là Đội phó Đội điều tra xét hỏi, Lê Xuân Băn đã liên tục khám phá nhiều vụ án nổi tiếng nên chỉ ba năm sau anh được chọn làm Phó trưởng Công an huyện Quảng Trạch khi vừa tròn 33 tuổi.

Năm 1991, Lê Xuân Băn được điều về làm Phó trưởng Công an huyện Bố Trạch, mặc dù thay đổi địa bàn làm việc nhưng với tố chất mưu trí, dũng cảm, anh cùng đồng đội liên tục gặt hái chiến công trong việc khám phá, điều tra các vụ án. Hầu hết các vụ trọng án khi xảy ra trên địa bàn, có Lê Xuân Băn tham gia đều được khám phá nhanh chóng. Nhiều đồng đội luôn xem anh như người thầy trong công tác nghiệp vụ.

Bên chén trà đắng nhìn về xa xăm, lần đầu tiên tôi bắt gặp anh cười khi nhắc đến con, tiếng cười lần này khác hẳn nhiều lần anh cười trước đó: "Hai đứa con giờ đã trưởng thành, con đầu Lê Xuân Tuấn theo nghề ba đang công tác ở Công an Bố Trạch, còn cháu thứ hai Lê Hồng Hải tốt nghiệp đại học xuất sắc đang được nhà nước chọn đi Australia du học", nói đến con, anh nhìn vợ âu yếm, lúc vui nhất anh lại muốn dành cho vợ.