Dân Việt

Quảng Nam: Cả làng run sợ vì tin đồn "ma bắt người"

17/11/2014 19:15 GMT+7
Những ngày gần đây, người dân thôn Xuân Phú, xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam) không ngớt bàn tán xôn xao về câu chuyện anh Nguyễn Ngọc Hải (SN 1972, ngụ thôn Xuân Phú) bị “ma bắt”. Người ta đồn thổi rằng chỉ 1 ngày sau khi được tìm thấy, anh Hải yếu sức dần rồi tử vong một cách bí ẩn.
Những lời đồn ma quái

Khi phóng viên có mặt tại thôn Xuân Phú, ngay từ đầu thôn đã thấy những nhóm người túm năm tụm ba bàn tán về câu chuyện “ma bắt người” bí ẩn, rùng rợn này. Chúng tôi đặt vấn đề nhờ người dẫn tới ngôi miếu nơi anh Hải bị “ma” rủ đến đó chơi, không một người nào nhận lời. Một số người còn lo sợ và can ngăn phóng viên không được đến nơi quá linh thiêng có nhiều “ma” trú ngụ này.

img
Ngôi mộ nơi anh Hải được tìm thấy.

Theo lời kể của một số người dân nơi đây, câu chuyện đầy tính mê tín dị đoan này có nội dung như sau:

3h sáng ngày 23.10, người nhà anh Hải bỗng phát hiện anh biến mất bí ẩn. Lúc này, cửa trước khép hờ, mọi vật trong nhà không có gì thay đổi, xáo trộn. Sau khi gọi mãi không nghe tiếng anh Hải trả lời, mọi người hô hoán cùng nhau đi tìm.

Lúc đầu là người trong gia đình, sau đó là người trong xóm, trong thôn, rồi trong họ đạo (anh Hải theo đạo Công giáo) và cả thôn Dưỡng Xuân kế bên cũng đến tham gia tìm kiếm anh Hải. Ngày hôm đó trời mưa tầm tã nhưng không ai quản ngại khó khăn, cứ 10m họ lại bố trí một người tiến ngang rồi dọc khắp các vùng trong thôn. Họ dùng loa truyền thanh kêu gọi và dùng thanh la gõ vang khắp làng trên xóm dưới. Tối đến, đèn pin và đuốc sáng rực các ngã đường. Cuộc tìm kiếm huy động hơn 100 người tham gia, vậy mà vẫn không một ai nhìn thấy bóng dáng người đàn ông này.

Trong lúc cuộc tìm kiếm đi vào vô vọng, có người khuyên người thân của anh Hải đi xem thầy bói để mong được chỉ lối. Thế là 3 vị “thầy” đã được “huy động”, trong đó 1 “thầy” gặp trực tiếp, 2 “thầy” hướng dẫn qua điện thoại. Trong đó, 1 thầy phán rằng anh Hải “đang ở một nơi kín đáo” và chỉ từ nhà đi theo hướng Tây, qua Cầu Sắt đi về hướng Đông Nam. “Thầy” còn bảo, nếu tìm được anh Hải trước 21h ngày 23.10 thì anh Hải đang còn sống, nếu tìm được sau 21h thì chỉ còn phần xác mà thôi.

Đến 20h30 hôm đó, anh rể của anh Hải tên là Phước cùng một nhóm người đi theo hướng thầy bói chỉ dẫn. Khi đến khu vực miếu Bà tại núi Vàng (còn gọi núi Đất, thuộc thôn Dưỡng Xuân), cách nhà anh Hải 500 mét, anh Phước gọi to: “Hải ơi, em ở đâu về nhà ăn cơm?” thì nghe tiếng trả lời: “Em ở đây”. Mừng quá, anh Phước la lên: “Em lặp lại một lần nữa, to lên đi”. “Em ở đây, em ở đây”, giọng của anh Hải phát ra từ một ngôi mộ lớn của bậc tiền bối người địa phương, cách ngôi miếu Bà chừng vài chục mét.

Điều làm anh Phước ngạc nhiên là tại vị trí đó, anh và mọi người đã đến tìm nhiều lần nhưng không thấy anh Hải. Lúc được tìm thấy, anh Hải mặc một chiếc áo mưa tiện lợi, đầu đội mũ vải, toàn thân ướt sũng, người yếu ớt và run cầm cập vì rét. Lập tức anh Hải được mọi người dìu về nhà và mời bác sĩ đến để sơ cứu.

Một số người có mặt trong thời khắc anh Hải được phát hiện và đưa về nhà cho biết, lúc đó anh Hải tỏ ra khá tỉnh táo. Khi mọi người dìu anh đi thì anh bảo để anh tự đi. Về đến nhà, anh tự ăn uống chứ không cho người nhà đút cháo hay bón sữa. Sau một hồi nghỉ ngơi, anh Hải bắt đầu kể quá trình bị “ma bắt”.

Theo đó, trong lúc anh Hải đang ngủ thì có luồng ánh sáng rọi vào mặt khiến anh tỉnh giấc. Anh Hải liền bước xuống giường và ra mở cửa nhà để xem có chuyện gì hay không. Khi anh Hải vừa mở cửa thì thấy có 3 người đàn ông đã đứng sẵn đó và rủ anh đi chơi. Anh Hải hỏi lại: “Đi chơi ở đâu?”, 3 người kia trả lời: “Cứ đi rồi biết”.

Nghe vậy, anh Hải vào nhà mặc áo mưa và đội mũ đi theo 3 người lạ. Đi được một quãng xa, anh Hải thấy họ dẫn anh lên một khu vực có cây cối rậm rạp nên lo lắng. Để giảm bớt nỗi sợ hãi, anh dừng đọc mấy lời cầu nguyện theo Thánh kinh. Thấy anh đứng lại, 3 người kia tiếp tục nắm tay anh lôi đi. Họ đưa anh đến khu vực miếu Bà, xung quanh có nhiều mồ mả.

Mờ sáng ngày 23.10, họ kéo anh xuống bàu Vàng dưới chân miếu. Tại đây 3 người này thi nhau dìm anh xuống nước, chỉ chừa phần đầu lên trên mặt nước. Cứ thế, họ giữ anh Hải suốt cả một ngày dưới nước giữa trời mưa lạnh. Đến 19h ngày 23.10, họ kéo anh Hải lên một ngôi mộ cách miếu Bà khoảng 20m. Đến khoảng 21h, anh nghe tiếng gọi của anh Phước nên đáp lời, rồi được mọi người đưa về nhà...

Cũng theo lời anh Hải, suốt từ chiều đến tối hôm đó (23.10), anh nhìn thấy mọi người đi tìm mình nhưng không ai nhìn thấy anh. Anh còn bảo, có hai người trong thôn đi thả lưới đánh cá tại bàu Vàng đứng sát chỗ anh bị dìm dưới nước. Nhiều người không tin hỏi lại hai người này thì họ xác nhận đúng là trong thời điểm đó họ có đánh cá tại bàu Vàng. Anh Hải cũng cho biết anh còn nghe tiếng loa của thôn trên, thôn dưới thông báo về việc tìm mình, thế nhưng không hiểu sao anh lại không thể mở miệng để trả lời mọi người(!?).

Sau khi anh Hải trở về, gia đình và cả làng mừng vui vì anh Hải đã thoát nạn. Thế nhưng đến gần 14h ngày 24.10 thì anh Hải có dấu hiệu mệt mỏi, sức khỏe yếu nên gia đình đưa anh ra Bệnh viện Vĩnh Đức (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), cách nhà 10 km để thăm khám.

Tại bệnh viện, anh Hải được siêu âm, chụp X-quang, xét nghiệm và truyền dịch. Anh vẫn ăn được ít cháo và uống sữa. Đến khoảng 21h, anh Hải bị tụt huyết áp. Thấy tình hình diễn biến xấu, Bệnh viện Vĩnh Đức chuyển anh ra Bệnh viện Đà Nẵng. Đến khoảng 23h anh Hải trút hơi thở cuối cùng.

img

Người thân anh Hải đau buồn trước cái chết đột ngột của anh.

Theo mô tả của người dân, anh Hải chết khi trong nội tạng đã “thối nát hết”, chụp phim và siêu âm không nhìn thấy gì! Một điều lạ nữa là khi thuê dịch vụ tiêm hóa chất để bảo quản xác chết thì không thể thực hiện được. Những người làm dịch vụ này cho biết, họ chưa bao giờ gặp phải trường hợp như anh Hải, mặc dù đã làm hết cách nhưng họ không thể bơm thuốc vào thi thể nạn nhân.

Miếu thiêng bị cháy, dân làng bị phạt nặng?

Câu chuyện đồn thổi về cái chết bất ngờ của anh Hải và đặc biệt là việc anh mất tích nguyên một ngày đêm đã khiến người dân hoang mang, lo sợ. Khắp làng trên xóm dưới đều khẳng định anh Hải bị “ma bắt”. Một số người cho rằng do gia đình anh Hải không cúng bái ngôi miếu linh thiêng tại làng nên đã bị phạt. Rồi sau khi anh Hải về, gia đình không mời “thầy” về cúng tạ ơn nên anh Hải tiếp tục bị trừng phạt. Rồi từ cái chết đột ngột của anh Hải, họ còn kể ra thêm những câu chuyện cũng hoang đường và mê tín dị đoan không kém.

Chuyện rằng, không phải chỉ có mình anh Hải, đúng 1 năm trước đây làng đã có một người đàn ông bị “ma bắt” đi trong đêm và sau đó cũng lấy mạng, đó là anh Nguyễn Công Lựu (SN 1969, thôn Xuân Phú).

Theo lời của bà Đồng Thị Tùng (SN 1941, mẹ anh Lựu), 3h ngày 11.10.2013, bà phát hiện anh Lựu bỗng dưng biến mất. Gia đình và làng xóm tìm khắp hang cùng ngõ hẻm nhưng vẫn không thấy anh Lựu đâu. Bà Tùng đi xem bói, thầy chỉ lên hướng miếu Bà rồi bảo: “Nó đi sớm muộn gì rồi cũng về thôi”.

Thương con, ngày nào bà cũng đi tìm và tìm gần 2 tháng trời nhưng vẫn không thấy anh Lựu. Đến ngày 3.12.2013, một người dân đi vớt bèo đã phát hiện thi thể anh Lựu nổi tại bàu Trảy, trong tình trạng bị phân hủy nặng.

img

Miếu Bà, nơi được cho rất linh thiêng.

Theo lời kể người dân, miếu Bà là nơi khá linh thiêng. Ngôi miếu nằm dưới một gốc cây bồ đề cổ thụ, cả miếu và cây đã hơn 100 tuổi. Dù đường vào miếu rất khó đi nhưng người dân thường vào đây cúng bái trong các dịp lễ lạt. Lễ lớn nhất là lễ cúng làng mồng 9 tháng Giêng, dân làng cùng nhau sửa soạn 9 mâm cỗ để cúng bái. Hễ có ai vào đây phá phách về nhà liền bị ốm liệt giường.

Cách đây 5 năm, khi làm đường bê tông qua xã, đơn vị thi công vào gần ngôi miếu để xúc đất nhưng mỗi lần xe vào đến nơi đều bị chết máy không thể xúc đất được. Nhiều người ăn ở hiền lành, khi đi ngang qua miếu mà lỡ ngã xe thì sẽ được “bề trên” che chở nên không bao giờ bị hề hấn gì. Mùa hè năm 2013, một người đốt rác vô tình làm lửa cháy lan thiêu rụi cả cây bồ đề cổ thụ, miếu Bà cũng bị lửa làm cho rạn nứt, hư hại. Sau khi cây bồ đề chết, người dân đã trồng lại cây bồ đề khác nhưng cây không sống được. Từ đó đến nay, ngôi miếu trống hoác, vài cành cây bồ đề cháy khô giơ lên trơ trọi, toàn khu miếu trông hoang tàn đổ nát.

Chỉ mấy tháng sau ngày miếu Bà bị cháy thì xảy ra vụ mất tích rồi chết bí ẩn của anh Lựu. Khi đó, người dân 2 thôn Xuân Phú và Dưỡng Xuân (nơi có Miếu Bà) chưa suy nghĩ nhiều. Tuy nhiên, sau ngày có tin đồn anh Hải “chết vì bị ma bắt”, nhiều người tin rằng vì miếu Bà bị cháy mà dân làng không tu sửa lại nên “người khuất mặt” đã quở trách.