Dân Việt

Hành trình tìm nhân chứng

07/12/2012 19:14 GMT+7
(Dân Việt) - Từ những bài viết nhỏ trên Internet, những dòng nhật ký vụn vặt, những lời giới thiệu của người quen, sự giúp đỡ của chính quyền, một nhóm nhà báo đã lần tìm địa chỉ những nhân vật ở lại Hà Nội những ngày đông tháng 12 năm ấy…

Có người còn sống, có người đã mất, có người kể lại với niềm tự hào khôn tả, có người lại gạt nước mắt lảng tránh, ngậm ngùi.

img
Nhà báo Đào Thanh Huyền kể chuyện đi tìm các nhân chứng trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không”.

Tìm lại dấu sử xưa

Chưa một ngày được chứng kiến sự tàn phá của bom Mỹ nhưng những dòng hồi ức vô tình được đọc trên Internet về Hà Nội 12 ngày đêm đã ám ảnh cô nhà báo trẻ, Đào Thanh Huyền suốt một thời gian dài. Câu chuyện trở thành một trong những người lặn lội suốt 2 năm đi tìm ký ức được chị Huyền kể với sự xúc động nghẹn ngào: “Lúc đầu, tôi chỉ nghĩ trận “Điện Biên Phủ trên không” sẽ dễ tìm tư liệu hơn các chiến dịch khác bởi lẽ nó diễn ra trong quãng thời gian ngắn. Nhưng khi bắt tay vào công việc, tôi mới biết đó thực sự là một việc làm không hề dễ”.

Chị Huyền cho biết, cuộc chiến 12 ngày đêm diễn ra quá ngắn ngủi trong khi đó thời gian trôi qua đã 40 năm, những gì còn lại chỉ là ký ức mờ nhạt, rời rạc, vụn vặt… Đối với những nhân chứng trong quân đội thì đó chỉ là những trận oanh tạc trên không, mỗi đơn vị một chiến hào và một cục diện nhìn thấy không giống nhau: “Đây là một cuộc chiến tranh điện tử mà chúng ta không trực tiếp nhìn thấy kẻ thù. Người ta chỉ nhìn thấy máy bay, nghe thấy tiếng bom rơi, ngửi thấy mùi cháy nổ. Những gì người ta chứng kiến được nhiều nhất là những đổ vỡ, mất mát và hậu quả tàn khốc của nó” - chị Huyền kể.

Từ những mảnh ghép rời rạc ấy, nhóm của chị gồm cả những người trẻ và người từng ở lại trong cuộc chiến đó là đại tá Nguyễn Xuân Mai - nguyên Tổng Biên tập Báo Phòng không Không quân bắt đầu hành trình đi tìm nhân chứng. Phải mất gần 1 năm lần mò trên tất cả các phương tiện truyền thông, các kênh thông tin chính thống hoặc không chính thống… họ mới có được danh sách “ảo” của gần 200 nhân chứng và bắt đầu công cuộc tìm tới họ. Có nhân chứng còn sống, nhưng có nhiều nhân chứng đã qua đời, có nhân chứng khi sự việc xảy ra họ còn quá nhỏ không thể nhớ nổi, cũng có những nhân chứng thẳng thừng từ chối hợp tác vì… họ không muốn nhớ lại những mất mát đã qua.

Khi có được những thông tin thô sơ nhất, những người thực hiện đã phải mất nhiều công sức để kiểm chứng lại. “Cũng từ một trận oanh tạc, tại cùng một khu phố nhưng mỗi người lại tả khác nhau về thời gian, bối cảnh. Có những chi tiết chúng tôi kiểm chứng được bằng thông tin chính thống và từ phân tích từ các nhà nghiên cứu lịch sử, nhưng cũng có những chi tiết không còn cách nào khác là “buộc lòng” phải tin tưởng vào nhân chứng” - đại tá Mai chia sẻ.

Khóc… cùng nhân chứng

Trong suốt 2 năm đi tìm hồi ức “Điện Biên Phủ trên không”, không ít lần những người thực hiện phải rơi lệ cùng nhân chứng. Chị Huyền nhớ như in cuộc gặp gỡ một nhân chứng ở Khâm Thiên: “Chị không cho chúng tôi chụp ảnh, ghi hình. Chị nói mỗi lần xem ti vi thấy nói về chiến tranh là tim chị lại quặn thắt nỗi đau mất người thân. Những ký ức cũ lại ùa về ám ảnh chị, lúc ấy chị thực sự thấm thía hậu quả của chiến tranh, nó không chỉ là những con số thống kê lạnh lùng vô cảm”.

Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, người Hà Nội sẽ được một lần nữa trở về với quá khứ qua tác phẩm “Đối mặt với B52 - Hồi ức Hà Nội” của nhóm tác giả: Đại tá Nguyễn Xuân Mai, ông Olivier Tessier - Viện Viễn đông Bác cổ Pháp, 2 nhà báo Pháp ngữ Đào Thanh Huyền và Đặng Đức Tuệ… Đây là những dòng hồi ức sống động của hơn 100 nhân chứng đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp chứng kiến và tham gia vào trận chiến 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội.

Đại tá Nguyễn Xuân Mai thì không thể quên được câu chuyện xúc động của nhân chứng Đỗ Thị Thanh Nhàn (xã Uy Nỗ, Đông Anh, Hà Nội). Khi Mỹ bắt đầu rải bom xuống Hà Nội và cách tỉnh lân cận, bà Nhàn đang là cán bộ mậu tài của xã Uy Nỗ.

Ngày 17.12.1972 vừa cưới xong, chồng bà - bộ đội trực chiến tại một trận địa gần Hà Nội phải lập tức ra trận địa khi nghe tin máy bay Mỹ bắt đầu tiến vào thủ đô. Ngay trong trận oanh tạc đầu tiên, đơn vị của chồng bà bị dính bom, ông hy sinh khi chưa được hưởng trọn vẹn một ngày làm chồng bên người vợ mới cưới.

Biết tin, bà chưa hết đau đớn, vật vã thì trận càn quét B52 của Mỹ đã trút lên xã Uy Nỗ với bao tang thương, mất mát của người thân, hàng xóm. “Tất cả đều tan hoang, nhà cửa đổ nát, người chết la liệt. Tôi khi ấy là Phó Chủ tịch mậu tài nên không thể ngồi đó mà vật vã, khóc lóc. Tôi đã phải nén lại tất cả để cùng các cán bộ xã đứng lên chỉ đạo các công tác khắc phục hậu quả B52”.

Đến khi mọi việc đã ổn, bà gục ngã trong một trận ốm thập tử nhất sinh, nỗi đau nén lại giờ mới vỡ oà. “Khi kể cho tôi nghe câu chuyện của mình, bà khóc nhiều, và tôi - một người lính già từng trải, một cựu nhà báo cũng không cầm nổi nước mắt. Người phụ nữ ấy, bấy nhiêu năm vẫn không thể cho mình cái quyền… đi bước nữa khi nghĩ về người chồng đoản mệnh. Bà cứ ở vậy cống hiến cho việc làng việc xã, rồi được chuyển lên làm cán bộ huyện. Sau khi về hưu, bà sống một mình đơn độc trong ngôi nhà nhỏ cạnh gia đình em trai mình” - đại tá Mai nghẹn ngào.