Quy định là vậy, nhưng thực tế, các điều khoản này vẫn chưa được thực thi triệt để.
Nửa đời vẫn “vô sản”
Chị Bùi Thị N hiện sống cùng với con trai tại xóm Bãi Ngã, xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình. Chị kết hôn từ năm 1993 và có hai con trai. Nhà chị sống trên mảnh đất mà chồng chị cùng với hai anh chồng khai hoang từ lâu. Diện tích mà gia đình có khoảng 2.000m2. Cả mảnh đất lớn chỉ có chung một giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) mang tên người anh chồng. Nhiều lần chị đã giục chồng đi tách riêng nhưng chồng chị cho rằng người nhà với nhau nên không cần phải tách...
Bất ngờ, năm 2007, chồng chị mất vì tai nạn. Gia cảnh khó khăn nên chị muốn thế chấp nhà đất, vay tiền ngân hàng để đầu tư sản xuất nhưng anh trai chồng không đồng ý giúp chị thế chấp, cũng không cho tách GCNQSDĐ. Mới đây, chị trồng gần 1 sào mía trên mảnh đất của gia đình chị nhưng anh chồng đến phá bỏ.
Chị N cho biết, luật tục của người Mường “làm em thì phải tuân thủ những gì anh nói nếu như không còn bố mẹ”. Nghĩ con trai sắp lập gia đình, mình cũng toan về già mà mảnh giấy chứng nhận đất mang tên mình cũng chưa có, chị đứng ngồi không yên...
Còn gia đình chị Trần Thị Mỹ L (39 tuổi, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) có 7.000m2 công đất nông nghiệp với sổ đỏ mang tên chồng và 2.000m2 đất vườn mang tên bố chồng đã mất. Hiện chị muốn đứng tên sổ đỏ với chồng nhưng không dám đề xuất vì sợ chồng cho là mình có xích mích với chồng, giành quyền đất đai, ảnh hưởng tới tình cảm.
Chị L cho biết, chính quyền địa phương, kể cả hội phụ nữ cần phổ biến chính sách phụ nữ được đứng tên cùng chồng trong sổ đỏ để phụ nữ và gia đình biết và thực hiện.
Lợi ích và bất lợi
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu "Đảm bảo quyền có tên trong GCNQSDĐ” của Liên minh Đất đai (LANDA), phụ nữ đứng tên cùng chồng trong sổ đỏ sẽ giúp họ có quyền tham gia và quyết định trong các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất đai; bình đẳng với nam giới trong gia đình và xã hội về quyền tiếp cận đất đai; được chủ động tham gia việc sử dụng, hưởng dụng đối với đất đai, được bình đẳng khi thực hiện quyền cho thuê, quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Khi không có tên trong sổ đỏ, họ dễ gặp khó khăn trong xác minh, cũng như trong thực hiện các thủ tục hành chính trong các giao dịch dân sự như chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn hoặc trong phân chia tài sản, cơ quan có thẩm quyền sẽ mất nhiều thời gian xác minh khi xảy ra tranh chấp. Trường hợp vợ chồng ly hôn, người vợ không có tên trong GCNQSDĐ nên vô hình trung đất đai của gia đình thuộc về người chồng và người vợ gặp khó khăn khi đòi phần tài sản của mình vì tòa án phải điều tra, xác minh mất nhiều thời gian. Cũng có chị sau khi chồng mất, vì không có tên trong GCNQSDĐ nên bị anh em nhà chồng tranh chấp đất đai. Quan trọng là tiếng nói của phụ nữ trong gia đình không được tôn trọng.
Cần tăng cường tuyên truyền
Theo báo cáo khảo sát “Đảm bảo quyền có tên của vợ và chồng trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” do LANDA thực hiện tháng 8.2014 ở 3 địa bàn, sổ đỏ đã cấp trước năm 2004 mang tên một người, chủ yếu là người chồng thì nay đã được ngành TNMT cấp đổi sang 2 tên cả vợ và chồng ở những vùng có dự án hoặc đối với trường hợp tách hộ chuyển đổi, thừa kế. Tuy nhiên, nếu không có dự án hoặc tách đổi, chuyển nhượng, thừa kế thì sổ đỏ vẫn mang 1 tên, chủ yếu là chồng.
Báo cáo của nhóm tư vấn Oxfam thực hiện tháng 9.2014 cho biết: Tại Quảng Bình, trong số những người được khảo sát có 83,0% số GCNQSDĐ đã được ghi tên cả vợ và chồng. Còn những người được khảo sát tại huyện Lạc Sơn, Hòa Bình cho biết 100% số GCNQSDĐ vẫn chỉ ghi tên người chồng.
Phần đông người dân được hỏi đều cho biết là đất đai của họ được cấp sổ đỏ trước 2003 và họ thiếu thông tin về sổ đỏ 2 tên. Thậm chí ngay tại một số xã có dự án cấp đổi sổ (bao gồm sổ 2 tên) thì đa số người dân cũng không biết rõ về chính sách. Vì vậy, để thực hiện tốt chính sách này, ngành TNMT và chính quyền địa phương cần tuyên truyền rộng rãi về lợi ích sổ đỏ 2 tên nhằm đảm bảo quyền tiếp cận đất đai của phụ nữ trên thực tế.