Ngày 17.11, những cuộc điện thoại dồn dập từ người nhà ở Việt Nam, bạn bè người Việt sống ở các thành phố khác gọi về hỏi han tình hình của chúng tôi ở thành phố Donetsk, sau khi đọc được những bản tin nói rằng miền đông Ukraine chuẩn bị tấn công dữ dội. Đã quá quen với tiếng súng đạn ở Donetsk trong nhiều tháng qua, nhưng người dân nơi đây đang tin rằng, những gì sắp diễn ra sẽ vô cùng khủng khiếp...
Những người cùng cực
Chúng tôi sống ở Donetsk đến nay là 27 năm, nhưng chưa bao giờ thấy người dân nơi đây khổ sở đến cùng cực như vậy. Khu nhà tôi ở cao 8 tầng, có một số gia đình người Việt từng sinh sống, nay đã chuyển đi nơi khác, còn lại là các hộ dân địa phương. Họ vẫn bám trụ lại thành phố quê hương, là nơi họ đang làm việc, phần vì không có nơi nào khác để đi.
Bác hàng xóm nhà tôi - Lyshenko là một nhân viên ngành thuế của Donetsk. Vào những thời điểm xung đột cao trào ở miền đông, người đàn ông này là điểm tựa cho cả khu chung cư. Ông trấn an từng người và truyền kinh nghiệm tránh bom đạn cho tất cả chúng tôi. Ông cũng được chúng tôi gọi là “phát thanh viên”, bởi hàng ngày đến công sở, ông thu thập những thông tin thời sự trên các báo, đài về tình hình chiến sự và tối về truyền đạt lại để trấn an láng giềng... Hai hôm trước, chúng tôi không còn thấy bóng dáng quen thuộc của người đàn ông này trong tòa nhà. Hỏi ra mới hay, ông cũng là nạn nhân của việc cắt giảm các dịch vụ công quyền. Làm nhân viên sở thuế, hầu hết thu nhập của ông Lyshenko chỉ để dành nuôi sống gia đình gồm vợ và 3 con đang tuổi ăn học. Đối với ông Lyshenko, chiến tranh không đáng sợ bằng thất nghiệp, bởi tương lai của các con ông không biết đi về đâu, trong bối cảnh khó khăn cùng cực ở miền đông Ukraine hiện nay.
Và, như những gì tôi được thấy, không chỉ có Lyshenko, rất nhiều gia đình người Ukraine ở đây cũng đang vô cùng khó khăn trước những quy định mới. Chưa bao giờ, người dân miền đông Ukraine lại quý những mẩu bánh mì như thời điểm này, với họ có đủ bánh mì ăn đã là một niềm hạnh phúc.
Mỗi nhà là... một chiến hào
Những ngày này, việc chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất đã được hầu hết các gia đình ở Donetsk tính đến. Việc đầu tiên là tích trữ lương thực, nước sinh hoạt và nơi trú ẩn. Từ khi kinh tế khó khăn, việc buôn bán không mấy lãi lời, việc các doanh nghiệp nhập gạo cũng hạn chế nên người Việt chỉ đủ dùng và không có nhiều gạo để mua tích trữ. Cách đây một tháng, ở thành phố Donetsk chỉ còn khoảng 20 gia đình người Việt bám trụ, nhưng nay một số gia đình đi sơ tán đã trở về và theo ước tính của Hội Người Việt tại Donetsk, hiện có khoảng 100 gia đình Việt Nam sống trong vùng chiến sự. Hàng ngày, người Việt vẫn đi chợ bán hàng trong tiếng súng đạn nổ. Nhiều gia đình hàng tồn đầy ứ, nhưng tiền đã hết nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Tiên- Chủ tịch Hội Người Việt tại TP. Donetsk được coi như người anh cả của các gia đình Việt ở đây. Mỗi ngày, ông đều theo dõi sát tình hình của người Việt, chia sẻ thông tin, động viên và kêu gọi người Việt đoàn kết, đùm bọc nhau vượt qua hoạn nạn. Ông cho biết, với những người Việt đi di tản, cuộc sống ở những nơi mới cũng khó khăn gấp bội lần, trong khi ở Donetsk, họ vẫn còn nhà cửa, công việc và họ trở về với suy nghĩ, nếu chết thì chết trên mảnh đất họ từng gắn bó hơn là sống vất vưởng ở nơi xa lạ. Một số gia đình sống ở các tầng thấp đã cải tạo căn hộ để có riêng hầm trú ẩn. Những gia đình sống ở tầng cao thì cũng đăng ký trú ẩn ở những tầng hầm chung của tòa nhà. “Chúng tôi đã học cách sống chung với lũ”, mỗi gia đình đều có một “chuyên gia” về phòng tránh đạn pháo và mỗi căn hộ đều trở thành một chiến hào với thứ “vũ khí” phòng thủ sắc bén nhất là lương thực thực phẩm dự trữ. Không còn cách nào khác, người Việt ở miền đông Ukraine phải chấp nhận một cuộc sống như vậy thôi” - ông Tiên cho biết.