Đó là câu chuyện gian truân, 10 năm mệt mỏi đi đòi công lý của bà Lê Thị Minh Đức, trú quán tại tiểu khu 4, thị trấn Vương (Tiên Lữ). Bà Đức đã hơn 40 năm tuổi Đảng, là con liệt sĩ Lê Như Dực hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và là vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Vượng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Sự việc bắt đầu từ tháng 3.2003 khi ông Vũ Văn Trung - người được bà Lê Thị Minh Đức cho ở nhờ đã âm thầm bán căn nhà và đất ở 251,8m2 của gia đình bà Đức tại thôn Triều Dương, xã Hải Triều (Tiên Lữ) cho bà Nguyễn Thị Xoa.
Diện tích đất ở 251,8m2 gồm nhà và đất của cụ Nguyễn Văn Công Vượn (cụ ngoại bà Đức) để lại thừa kế cho con cháu. Theo di chúc cụ Vượn để lại cho con trai là Nguyễn Văn Công Nuôi (ông ngoại bà Đức), ông Nuôi không có con trai nên được con gái là Nguyễn Thị Hấn (mẹ bà Đức) lưu giữ, “để lại cho con Nuôi (Nhỡ) 2,7 miếng đất, 3 gian nhà tre, xây luồn tàu, lợp lá để con vợ chồng con ở, ẩn bóng các cụ, lưu truyền hậu thế, kế tục tôn sùng sự nghiệp. Khi các cháu gái đã quá cố thì số đất lưu lại cho họ Nguyễn để thờ phụng tổ tiên”. Sau đó, bà Đức được mẹ đẻ giao toàn bộ căn nhà luồn tàu ba gian của cụ Vượn và đất sử dụng cho bà trông nom tu sửa cai quản.
Khi cụ Nuôi mất thì vợ là cụ Đoàn Thị Nịnh (bà ngoại bà Đức) đi lấy chồng khác là cụ Tổng Chi rồi có con là Vũ Ngọc Đình. Cụ Chi mất, mẹ con cụ Nịnh không có chỗ ở nên xin về ở nhờ lại nhà bà Đức, bà Đức đồng ý cho cụ Nịnh và ông Đình vào ở nhờ và chung sống cùng. Bà Đức sau khi lấy chồng, rồi chồng hy sinh, bà chuyển lên thị trấn Vương sinh sống. Đến năm 1981, ông Vũ Văn Trung là con của cụ Vũ Ngọc Đình xin bà Đức cho ở nhờ. Đến tháng 3.2003, ông Trung bán toàn bộ căn nhà và đất ở nói trên cho bà Xoa mà không hỏi ý kiến bà Đức.
Sau khi phát hiện sự việc, bà Đức thưa kiện đòi lại vì muốn thực hiện di chúc của cụ ngoại để lưu mảnh đất làm nơi thờ phụng cho dòng họ Nguyễn. Ngôi nhà cũng là nơi bố đẻ bà Đức (liệt sĩ Lê Như Dực) bị giặc Pháp tra tấn và bắn chết. Từ đây là cả quá trình mệt mỏi của bà Đức phải đi gõ cửa các nơi để đòi lại công lý. Bà Đức đã khởi kiện ra Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lữ yêu cầu ông Vũ Văn Trung trả lại nhà, đất gia đình bà đã cho gia đình ông Trung ở nhờ.
Sau nhiều gian truân, vụ án đã được Tòa án Nhân dân huyện Tiên Lữ đưa ra xét xử và tuyên buộc bà Nguyễn Thị Xoa phải giao trả diện tích đất 251,8m2 mua được từ ông Trung, cho bà Đức. Bà Đức hỗ trợ cho ông Trung 60 triệu đồng tiền công duy trì, tôn tạo mảnh đất và nhà…
Sau đó ông Trung kháng cáo, ngày 15 và 21.7.2014, TAND tỉnh mở phiên xử phúc thẩm vụ án “Kiện đòi tài sản là quyền sử dụng đất cho ở nhờ”. Cả ông Trung và bà Đức đều thừa nhận một phần thửa đất đang tranh chấp diện tích 2,7 miếng, bằng 97,2m2 có nguồn gốc được thừa kế từ cụ ngoại bà Đức là cụ Nguyễn Văn Công Vượn. Diện tích còn lại, ông Trung cho rằng, tài sản do bà nội và bố mua nhưng không xuất trình được chứng cứ. Còn bà Đức có người làm chứng xác nhận bố mẹ bà đã mua của cụ Khề, cụ Tố hàng xóm…
Tòa phúc thẩm phán quyết, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Vũ Văn Trung và bà Nguyễn Thị Xoa là vô hiệu. Bà Xoa phải giao diện tích đất 251,8m2 tại tờ bản đồ số 13 số thửa 234 ở thôn Triều Dương, xã Hải Triều hiện mang tên ông Vũ Văn Trung trong sổ địa chính cho bà Lê Thị Minh Đức được quản lý sử dụng. Bà Đức hỗ trợ cho ông Trung 60 triệu đồng tiền công duy trì, tôn tạo mảnh đất và nhà…
Kết quả 2 phiên tòa được dư luận người dân địa phương và dòng tộc cho là thấu tình đạt lý, giúp bà Đức, một người con liệt sĩ, vợ liệt sĩ đòi lại được đất, nhà mà trước đó vì tình thương đã cho ở nhờ, sau hơn 10 năm gian nan, mòn mỏi phải đi gõ cửa các nơi để đòi lại công lý. Với phán quyết của tòa, bà Đức đã hoàn thành tâm nguyện trong di chúc của cụ ngoại, diện tích đất cụ để lại dành làm nơi thờ cúng cho dòng họ Nguyễn thôn Triều Dương, xã Hải Triều.
Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Lữ cần sớm thực thi bản án phúc thẩm đã có hiệu lực của Tòa án Nhân dân tỉnh Hưng Yên.