Đi dọc tuyến phố Phan Đình Phùng, đến đoạn đối diện bốt Hàng Đậu (Hà Nội), chúng tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Ái Liên. Điều đầu tiên mà chúng tôi thấy ở bà là sự hiền hậu, thân thiện và cởi mở. Nhưng mấy ai biết được rằng, đằng sau đó là cả một quãng đời với bao gian truân. Kể về cuộc đời mình, bà Liên rơm rớm nước mắt “cuộc đời tôi khổ lắm các cô ạ”.
Tuổi thơ gian khó và 19 năm sống trong trại
Bà Liên sinh ra vào thời loạn lạc, đói kém. Năm 1945, khi mà nạn đói cướp đi tính mạng của không biết bao nhiêu người, gia đình vì không đủ điều kiện nuôi nấng nên mang bà cho một nhà theo đạo Thiên chúa. Khi ấy bà còn rất nhỏ, không nhớ rõ quê quán, bố mẹ, gia đình gồm những ai. Ngay cả tên mình bà cũng không nhớ rõ (cái tên Ái Liên là do bà tự đặt chứ bà cũng không có giấy khai sinh hay bất cứ giấy tờ tùy thân nào). Bà kể “hồi đấy đói lắm, làm gì có cơm mà ăn. Tôi theo bố mẹ vừa tránh bom đạn, vừa tìm thứ gì có thể nhai được là đều ăn hết”.
Bà cụ Nguyễn Thị Ái Liên hơn nửa đời người sống trên hè phố, kiếm sống qua ngày bằng việc bán quần áo cũ.
Ở với bố mẹ nuôi đến năm 19 tuổi, trong một lần đi theo đám bạn, bà bị lạc và lang thang từ đó. Trong suốt những năm ở với bố mẹ nuôi, bà làm đủ thứ việc: Chăn trâu, cắt cỏ, giặt giũ,… Ngay từ khi còn rất nhỏ, bà đã phải làm những việc nặng nhọc, quá sức đối với một đứa trẻ để phụ giúp bố mẹ nuôi. Bà cười bảo: “Bố mẹ nuôi tôi không đẻ được nên nhận nuôi tôi, cũng không có điều kiện để nhận nuôi thêm ai khác nên tôi không có anh, chị em. Thời buổi khó khăn, bữa có bữa không, được bố mẹ nhận về cho ăn, cho ở là may lắm rồi các cô ạ”.
Sau khi bị lạc, bà lang thang khắp nơi và đến năm 1969, bà tới Hà Nội và ở lại đây cho đến nay.
Năm 1969, khi về tới Hà Nội, bà nhặt từ củ tỏi, củ hành, cọng rau… ở cầu Long Biên, rồi nhặt hoa quả ở chợ Đồng Xuân… để kiếm sống qua ngày. Ban ngày, bà nhặt đồ để bán, làm thuê cho người ta, đêm về lại tìm vỉa hè để ngủ. Được một thời gian, bà bị đưa vào trại Vũ Lương cùng những người vô gia cư khác. Bà nhớ lại “tối hôm ấy, tôi vừa nằm xuống vỉa hè thì có xe đến hốt về trại”. Bà chia sẻ, ở trong đó bà phải chịu rất nhiều cực khổ, không ai chăm lo, để ý.
Vào đấy một thời gian bà mới biết đây là trại cải tạo, giam giữ những người có án. Vào đó được 7 năm, bà được thả ra ngoài. Vì không có nơi để đi, cũng không quen biết ai nên bà lại tiếp tục lang thang, nhặt nhạnh đồ thừa người ta bỏ đi. 2 tháng sau, bà bị bắt lại và vào trại Vũ Lương lần 2. Tiếp tục ở trong trại 7 năm, bà được thả về nhưng không lâu sau đó, bà bị đưa vào trại lần thứ 3. Sau 5 năm trong trại, bà được ra ngoài. Lúc này, sức khỏe bà không được tốt, cơ thể gầy gò ốm yếu.
Trời cho tôi sức khỏe
Từ đó đến nay, bà vẫn sống cô độc một mình, không người thân, không nhà ở. Bà bộc bạch: “Sống một mình cũng buồn lắm chứ. Nhiều lúc muốn nhận con nuôi nhưng ngẫm lại, lấy gì mà nuôi con nên đành thôi”.
Hiện tại, ban ngày bà bán quần áo cũ mọi người cho ở Phan Đình Phùng (chỗ đối diện bốt Hàng Cót), đêm thì về Hàng Giầy để ngủ. Mọi người cho quần áo cũ, bà chọn những cái còn mới, đem giặt sạch rồi mang bán lại; những cái bị rách bà may lại để dùng.
Một ngày của bà bắt đầu từ rất sớm. Bà dậy từ 5 giờ sáng để quét cửa cho người ta và gánh hàng đi bán. Đến tối muộn, khi cửa hàng đóng cửa, bà lại gánh đồ về ngủ nhờ ở cửa. Bà bảo: “Lúc còn trẻ thì nay đây mai đó, giờ già rồi không đi xa được. Người ta thương nên cho ngủ nhờ, không đuổi đi”.
Nhìn bà cụ hơn 80 tuổi gánh 2 làn quần áo, chúng tôi không khỏi xót xa. Bà bảo “tôi quen rồi, thế này đã là gì hả cô? Có ngày, mọi người cho nhiều quần áo, tôi còn gánh nặng hơn”. Những năm qua, bà sống lang thang, không nơi trú mưa trú nắng, bà kể “trời mưa thì mặc áo mưa rồi ngồi bán hàng chứ không biết đi đâu”. Ngày nắng cũng như ngày mưa, kể cả những ngày trời lạnh bà đều dậy sớm bán hàng và tối về ngủ nhờ trước cửa hàng ở Hàng Giầy. Những ngày lễ, tết, bà vẫn bán hàng, vẫn ngồi ở chỗ này cả ngày.
Đã ở cái tuổi gần đất xa trời, bà vẫn phải sống cái cảnh “ăn vỉa hè, ở vỉa hè, ngủ vỉa hè”. Bao năm qua, bà những bữa cơm của bà cũng chỉ là cơm rau người ta cho, có gì bà ăn nấy, có khi cơm từ tối hôm trước, bà để lại đến sáng hôm sau ăn. Bà bảo “ăn thế này nó quen rồi” và nhìn chúng tôi cười.
Tôi còn thấy một tờ giấy được ép nhựa cẩn thận, trên đó ghi nguyện vọng sau khi mất, bà mong phường giúp bà tìm một nơi chôn cất. Bà kể rằng bà đã phải tích góp suốt mấy tháng từ tiền bán quần áo cũ đến 1, 2 nghìn người ta cho để làm giấy này. Bà bảo “làm thế này thì sau này mất còn có người lo cho chứ bây giờ tôi không quen ai, cũng không có giấy tờ gì, không ai giúp cả”.
Mong ước một ngày có người chôn cất
Chuyện trò được một lúc, bà lôi bức ảnh chụp cách đây hơn 1 tháng được cất kỹ trong mấy lần túi nilong ra “khoe”, đó là bức ảnh bà chuẩn bị cho lúc mất. Tôi còn thấy một tờ giấy được ép nhựa cẩn thận, trên đó ghi nguyện vọng của bà là sau khi mất mong phường giúp bà tìm một nơi chôn cất. Để làm được bức ảnh đó, bà đã phải tích góp suốt mấy tháng từ tiền bán quần áo cũ đến 1, 2 nghìn đồng người ta cho. Bà bảo “làm thế này thì sau này mất, còn có người lo cho chứ bây giờ tôi không quen ai, cũng không có giấy gì, không ai giúp cả”.
Suốt 40 năm qua, bà sống lủi thủi một mình, bà không lập gia đình, cũng không có con cái. Nhớ lại mùa đông những năm trước, bà ngậm ngùi “trời lạnh cắt da cắt thịt, tôi phải cuốn chăn ngồi ở cửa nhà người ta, có khi còn thức trắng cả đêm vì lạnh quá không ngủ nổi. Lúc ấy đói kém, không được cho nhiều quần áo như bây giờ, tôi phải lấy áo mưa trùm kín rồi ngồi cho đến tận sáng”.
Khi chúng tôi hỏi có ai giúp đỡ bà không, bà Liên xúc động “biết hoàn cảnh của tôi, người ta thương, người ta cho, tôi vui lắm, không còn lo đói hay lạnh nữa”. Nhìn nụ cười hạnh phúc của bà chúng tôi cũng thấy vui lây.
Ngồi giúp bà bán hàng cả buổi chiều, chúng tôi đã được gặp những người có tấm lòng vàng. Họ có thể là những người rất trẻ, lặn lội đường xa đến để cho bà những bộ quần áo, cái chăn, viên thuốc… Mặc dù, không phải là cái gì đắt tiền nhưng tấm lòng của họ rất đáng quý.
Chị Vũ Thị Thảo (24 tuổi) ở Vĩnh Tuy cho biết, chị và bạn biết đến hoàn cảnh của bà cũng khá lâu rồi, khi nào có dịp đi ngang qua chị lại vào thăm bà; có đồ gì chị lại gom vào rồi đưa cho bà. Tuy không có nhiều nhưng chị hy vọng, giúp đỡ bà được phần nào đấy. “Bà già rồi, lại không có chỗ ở, không người thân, chị thấy thương lắm”, chị Thảo tâm sự.
Lát sau, chúng tôi gặp chị Hằng (23 tuổi) đến để tặng quà cho bà. Chị chia sẻ “mình cũng mới đọc báo và biết đến hoàn cảnh của bà, hôm nay gặp bà, mình cũng muốn giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với bà”.
“Dù là cái quần, cái áo rách; dù là 1 nghìn, 2 nghìn tôi đều rất vui, tôi biết ơn mọi người nhiều lắm” – bà Liên xúc động.
Cuộc sống không mái nhà che nắng, che mưa, nay đây mai đó không phải bất kỳ ai cũng có thể hiểu được. Ngồi với bà cả buổi chiều, nghe bà bộc bạch, tôi mới thấm được những cơ cực mà bà trải qua mấy chục năm.
Càng về chiều, trời càng lạnh, chúng tôi chào bà ra về và ngỏ lời muốn giúp bà mang đồ về Hàng Giấy – nơi bà ngủ qua đêm, bà chỉ cười và bảo: “Tôi tự làm được. Tuy không nhà cửa, không người thân thích nhưng trời cũng cho tôi sức khỏe, phơi nắng phơi mưa bao năm nay mà không hề bị ốm, có chăng thì là sổ mũi, mấy củ tỏi là khỏi ngay, các cô cứ yên tâm”.