Sinh viên thành sát thủ cũng vì cầm đồ
Tiếp mạch những câu chuyện đau lòng của sinh viên khi “dính” vào hoạt động vay nặng lãi, phóng viên được giảng viên và sinh viên Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) kể về câu chuyện của sinh viên Phạm Khánh Vũ (sinh năm 1992, trú tại Hà Tĩnh) đã trở thành sát thủ khi dính vào nợ nần do cầm thẻ, vay nặng lãi.
Khu nhà trọ nơi sinh viên Vũ giết chủ nợ. (Ảnh: Thọ Phước)
Theo những người bạn Vũ kể lại, Vũ vốn là người hiền lành, gia đình cũng đơn thuần thôi nhưng lên đất Thái Nguyên học, cậu dần “dính” vào việc vay nặng lãi. Ban đầu, chỉ là vài triệu đồng. Nhưng sau đó, lãi mẹ đẻ lãi con, chủ nợ tìm ráo riết nên Vũ tìm cách trả nợ bằng cách chơi lô đề. Chính điều này khiến Vũ càng lún sâu vào việc vay nặng lãi.
“Khoảng tháng 7.2012, Vũ có vay của anh Dương Việt C. (một chủ quán cầm đồ và cho thuê xe máy tại phường Tân Thịnh, Thái Nguyên) số tiền khoảng 70 triệu đồng. Để vay được số tiền này, Vũ phải thuê chiếc xe máy từ anh C. rồi cầm cố lại. Vì vậy, ngoài tiền lãi từ khoản vay, Vũ phải chịu thêm khoản tiền thuê xe hàng ngày (khoảng 150 ngàn đồng/ngày”). Giai đoạn đầu, Vũ phải chịu lãi suất lên tới 384.000 đồng/ngày. Bị chủ nợ thúc ép suốt nên Vũ lại phải xin giãn nợ bằng hình thức mượn thêm xe máy để cắm lại. Chỉ một tháng sau thì số nợ đã lên tới 170 triệu đồng” - L., người yêu của Vũ kể lại.
Cũng theo lời người yêu của Vũ, khi bị chủ nợ thúc ép quá, Vũ đã bàn với chủ nợ gọi điện về gia đình để báo nợ. Lúc này, con số nợ được báo tới tai bố mẹ Vũ là 320 triệu đồng. Ông Phạm Văn Bảy, bố của Vũ cũng xác nhận với phóng viên việc này. Như vậy, chỉ sau hơn một tháng, từ vài chục triệu vay ban đầu, số tiền mà Vũ nợ đã “phình” lên gấp gần 5 lần. “Cứ sáng dậy là anh ấy bần thần như kẻ mất hồn, không tập trung được học hành gì hết, chỉ nghĩ cách làm sao để mượn được thêm tiền trả lãi, ghi lô đề” - vẫn lời L kể lại.
Khi số nợ vượt tầm kiểm soát, Vũ như con thú vào bước đường cùng. Anh này đã nghĩ kế dụ chủ nợ của mình là anh Dương Việt C. đến phòng trọ riêng của mình tại phường Tân Thịnh, thành phố Thái Nguyên với lý do là thương thảo chuyện nợ nần. Tại đây, nhân lúc anh C không để ý, Vũ đã dùng sợi dây điện siết cổ anh C. Khi thấy anh C ngừng thở, Vũ đưa xác anh này vào nhà tắm cửa phòng trọ rồi đóng cửa đi chơi. Tối cùng ngày, khi không thấy chồng về, vợ của anh C mới gọi cho Vũ. Vẫn trong trạng thái không tỉnh táo, Vũ thậm chí còn đến nhà chủ nợ mình vừa ra tay sát hại rồi cùng vợ của anh C ra trình báo việc... mất tích của nạn nhân. Lúc này, thấy biểu hiện bất thường từ Vũ, các chiến sỹ công an đã đấu tránh khai thác thông tin. Và chỉ sau hơn một giờ đồng hồ, Vũ cúi đầu khai nhận hành vi giết người. Án mạng đau lòng này xảy ra vào tháng 8.2012.
Nhìn nhận về thực trạng này, ông Đặng Kim Vui, Giám đốc Đại học Thái Nguyên thừa nhận chuyện vay sinh viên “dính” vào vay nặng lãi phổ biến trên địa bàn Thái Nguyên. “Bản thân tôi từng có một người quên có con học tại một trường trong Đại học Thái Nguyên. Ở nhà cháu vốn ngoan hiền nhưng chỉ sau hơn một năm học, cháu đã báo nợ về gia đình số tiền hơn 200 triệu. Bố mẹ cháu đành lên trả nợ rồi cho cháu nghỉ học hẳn dù không muốn con bị thất học”, ông Vui chia sẻ.
Ngoài ra, thời gian gần đây, xuất hiện thêm dịch vụ cho bốc họ dành cho “khách quen, khách VIP với các hiệu cầm đồ”. Về hình thức là viết giấy vay tiền, trực tiếp cắt phế 20% cho quầy và trả nợ mỗi ngày 2% quản nợ. Ví dụ: Người bốc họ viết giấy vay 10 triệu đồng nhưng chỉ được nhận 8 triệu đồng, 2 triệu được cắt luôn cho quầy gọi là tiền lãi. Người vay mỗi ngày sẽ phải trả 200 ngìn đồng trong vòng 50 ngày.
Đủ kiểu “hút máu”
Cũng theo lời ông Đặng Kim Vui, Đại học Thái Nguyên đã nhiều lần liên hệ với công an tỉnh Thái Nguyên để bàn hướng xử lý triệt để hiện tượng cho vay nặng lãi đối với sinh viên. Tuy nhiên, cơ quan công an cũng phải “bó tay” trước những chiêu “lách luật” của chủ cho vay. “Các cháu chỉ vay vài ba triệu đồng nhưng số tiền các cháu ký vào giấy vay nợ lại lên tới cả chục triệu. Trên giấy tờ cũng không thể hiện bất kỳ số tiền lãi nào. Vì vậy, cơ quan chức năng cũng không thể xử lý các đối tượng này”, ông Vui nói.
Ô
ng Đặng Kim Vui, GĐ Đại học Thái Nguyên trao đổi với phóng viên.
“Nếu cần vay vài ba triệu, anh chỉ cần cầm thẻ sinh viên và chứng minh thư ra các quán dể cầm. Tuy nhiên, anh phải đảm bảo các điều kiện: Không phải sinh viên năm cuối, có thành tích học tập tốt và không phải người Thái Nguyên. Nếu cần vay từ khoảng chục triệu đồng trở lên, phải mang theo các tài sản giá trị khác như xe máy, laptop. Nếu không có những tài sản này, anh phải gọi thêm một, hai sinh viên đảm bảo điều kiện như anh để họ cùng ký vào giấy vay nợ. Vay hơn nữa thì phải thẩm tra lý lịch rõ ràng, nhất là khoản hoàn cảnh gia đình. Phải là con nhà có điều kiện mới được vay. Và muốn vay thì phải thuê xe máy từ quán của họ để cắm lại cho chính họ. Đương nhiên, anh phải trả thêm tiền cho thuê xe máy”, Tuấn, một sinh viên theo học tại Thái Nguyên nói với PV.
Để rõ hơn những thủ đoạn tinh vi này, trong vai một sinh viên có nhu cầu cho vay nặng lãi, phóng viên đã dạo quanh một vòng qua Đại học Sư phạm Thái Nguyên và Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Trong cung đường dài hơn 1km này, phóng viên ghi nhận có khoảng 20 quán cầm đồ, cho vay tín dụng, cho thuê xe máy. Dừng chân tại quán Đức Huệ nằm ngay sát khu cổng sau Đại học Sư Phạm Thái Nguyên, phóng viên nhận được cái nhìn dò xét từ bà chủ hiệu ở đây. Sau một hồi “thẩm tra” lý lịch, thành tích học hành, bà chủ quán yêu cầu phóng viên xuất trình thẻ sinh viên. Nhìn qua tấm thẻ, bà này tỏ vẻ băn khoăn rồi nói PV chỉ có thể vay tối đa 2 triệu đồng. Nếu muốn vay nhiều hơn, phải gọi thêm các bạn khác. Nếu 2 - 3 bạn đạt yêu cầu, bà này sẽ cho thuê một xe máy với mức giá 150 ngàn đồng/ngày. Sau đó, tôi dùng chiếc xe này cắm lại cho chính chỗ mình vừa thuê. “Cả tiền lãi và tiền thuê xe, em phải trả khoảng 200 ngàn đồng/ngày”, lời bà chủ quán Đức Huệ.
Sang hiệu Việt Hưng - được đám sinh viên giới thiệu là “thương hiệu” lớn nhất về cầm đồ, cắm thẻ tại khu Đại học Sư phạm. Sự hoành tráng, chuyên nghiệp của cơ sở này thể hiện ngay từ cơ ngơi bề thế trông như một biệt thự sang trọng. Bên trong, hệ thống nhân viên 3, 4 người lúc nào cũng túc trực bên máy tính.
Khi chúng tôi vào xuất trình thẻ sinh viên, những cô này lập tức vào mạng để tra cứu kết quả học tập. Số tiền mà chúng tôi có thể vay là 3-4 triệu đồng cho tấm thẻ của mình. Tiếp tục lướt thêm vài quán tại khu Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, chúng tôi được tư vấn phải thuê xe máy từ quán này rồi cắm sang quán khác. Quán được cắm là do chỗ cho thuê xe chỉ đến.
“Các quán cầm đồ này có sự liên hệ chặt chẽ với dân xã hội. Nếu sinh viên không trả đúng hạn, lập tức chủ nợ sẽ gọi về gia đình và cho người đi “săn nợ”. Nhẹ thì bị dọa, nặng hơn là ăn đòn. Nếu chậm đóng lãi sẽ bị phạt gấp đôi tiền lãi những ngày đó, đặc biệt có ý định trốn tránh như không nghe máy hay mất tích sẽ bị phạt thêm một khoản gọi là tiền công thuê người đi đòi, đi tìm” - Hoàng, một sinh viên từng ngập trong vay nặng lãi nói với phóng viên.